Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Gặp khó với Mỹ và EU, Trung Quốc đưa thép sang ASEAN

 Các công ty Trung Quốc đã và đang xem Đông Nam Á là thị trường hấp dẫn cho việc tiêu thụ thép, sản phẩm bị cho là đang sản xuất dư thừa.

Đây cũng là hướng giải quyết cho các công ty Trung Quốc, vốn dĩ đã đầu tư hàng tỉ USD vào các dự án thép và than đá, nay có thêm chọn lựa đầu ra.

Theo Financial Times ngày 24-6, trong bốn năm gần đây, các công ty thép Trung Quốc đã cung ứng 32 triệu tấn mỗi năm trong các dự án thép mới ở Indonesia và Malaysia. Sản lượng này tương đương hơn 40% tiêu thụ thép trong năm 2016 của các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Thép là mặt hàng gây tranh cãi dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại hai nước leo thang.

Mỹ đã áp thuế nhập khẩu thép lên Trung Quốc, cho rằng thép giá rẻ tràn sang từ Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường toàn cầu.

Căng thẳng này kết hợp với nhu cầu trong nước gia tăng trong năm 2017 khiến các công ty Trung Quốc giảm số lượng xuất khẩu.

Thay vào đó, các nhà sản xuất Trung Quốc đang dịch chuyển sản lượng và đầu tư ra nước ngoài, chủ yếu đến Đông Nam Á, nhằm sản xuất và bán ra thị trường đang phát triển nhanh này mà không quá e ngại vấn đề thuế, Financial Times cho biết.

Sự gia tăng thu nhập của các nước Đông Nam Á thúc đẩy nhu cầu sản xuất xe hơi và xây dựng lên cao. Điều này dĩ nhiên cũng kích thích nhu cầu về thép vì đây là vật liệu liên quan trực tiếp.

Hiện nay ngành thép Trung Quốc có sản lượng cao nhất thế giới, phần lớn xuất phát từ nhu cầu mạnh mẽ trong nước suốt vài chục năm qua. Sự thay đổi trong thị trường thép Trung Quốc diễn ra khi chính phủ cắt giảm sản lượng cũng như quá trình kích thích kinh tế của nước này đang dần thuyên giảm. Điều đó dẫn tới nhu cầu thay đổi thị trường, mà cụ thể là tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.

Bên cạnh thép, các công ty Trung Quốc cũng đầu tư vào những ngành công nghiệp liên quan như sắt và niken, vốn cũng được ứng dụng trong sản xuất thép.

Tại Indonesia, Tsingshan Group đã triển khai kế hoạch mở rộng nhà máy hỏa luyện niken công suất 1,5 triệu tấn/năm, với 384 triệu USD tiền vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc ADB.

Ở Malaysia, Công ty thép Xinwuan Steel ở Hà Bắc và MCC Overseas - nhánh xây dựng của Công ty Minmetals, cũng đang xây dựng nhà máy luyện cốc và ximăng ngay cạnh một nhà máy thép trị giá 3 tỉ USD.

Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng nhân tố chính đằng sau xu hướng ra nước ngoài của ngành thép Trung Quốc là mong muốn sản xuất và bán trực tiếp cho các thị trường đang phát triển nhanh, và tránh việc bị Mỹ áp thuế nhập khẩu.

Paul Bartholomew, chủ bút của cổng thông tin năng lượng và Công ty S&P Global Platts, lưu ý rằng động lực sản xuất độc lập ở ngành thép Trung Quốc vẫn tiếp tục, bất kể mức độ sản xuất thừa mứa toàn cầu, vì "cũng như nhiều quốc gia phát triển, họ thích trở thành nhân tố độc lập, thích có một ngành công nghiệp thép riêng".

Các công ty thép Trung Quốc và nhà thầu cũng tiếp cận với nguồn tài chính được hậu thuẫn từ các ngân hàng quốc gia, từ đó cho phép họ sản xuất sản phẩm giá rẻ, thu hút được các dự án của khu vực Đông Nam Á.

Nguồn tin: Tuổi trẻ

ĐỌC THÊM