Giá thép trên thị trường đã giảm nhiệt sau khi giới đầu cơ ồ ạt xả lượng thép đã “ôm” vào trong tháng 3-2010 (gần 570.000 tấn, mức kỷ lục của ngành thép từ trước đến nay) với mức giảm phổ biến từ 300.000-500.000 đồng/tấn ở phía Bắc, 300.000-400.000 đồng/tấn ở phía Nam.
Các nhà sản xuất thép cũng buộc phải hạ giá bán khi lượng tiêu thụ thép đã giảm gần một nửa, ước chỉ còn 300.000 tấn trong tháng 4-2010.
Sức mua giảm, nhà sản xuất thép phải giảm giá hòng đẩy mức tiêu thụ trở lại như kỳ vọng cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, việc giảm giá nói trên không phải từ mức cầu ở thị trường mà bị giới đầu cơ chi phối mới là điều đáng nói. Đặc biệt, trong khi nhà sản xuất chỉ giảm giá vài trăm ngàn đồng cho một tấn thép, thì giá bán lẻ ở ngoài lại rẻ hơn giá bán của nhà sản xuất từ vài chục đến cả trăm ngàn đồng/tấn.
Theo các chuyên gia, với diễn tiến này, việc các nhà sản xuất phải hạ giá thêm để bằng với giá bán lẻ đang ở mức trung bình 15,3 triệu đồng/tấn hoặc thấp hơn nữa là điều cũng có thể xảy ra. Chưa kể giá nguyên liệu phôi thép - lý do của các đợt tăng giá thời gian qua - đã chững lại ở mức 600-620 USD/tấn.
Điều đó cho thấy khi nhà sản xuất thép không thể kiểm soát nổi hệ thống phân phối cho chính sản phẩm mình tạo ra, thị trường này sẽ dễ dàng bị đảo lộn bởi bàn tay các đại gia thao túng. Nếu nhà sản xuất làm tốt hơn, nghĩ đến tận cùng trách nhiệm của mình hơn nữa đối với người tiêu dùng thì không thể nào để xảy ra chuyện trong vòng chưa đến một tháng (đỉnh điểm nhất là thời điểm giữa đầu tháng 3-2010), giá thép đột ngột tăng xấp xỉ 3 triệu đồng/tấn ngoài thị trường bán lẻ.
Trong khi đó, mức tăng của nguyên liệu đầu vào sau khi đã tính đầy đủ vẫn chưa thể theo kịp mức tăng giá kinh hoàng này. Và nếu chỉ tính riêng mức giá chênh lệch mà toàn xã hội đã phải bỏ ra cho đợt tăng giá bất thường vừa rồi thì mức ước tính 500 tỉ đồng có thể là quá ít.
Hiện người tiêu dùng đang trông chờ kết quả kiểm tra lần hai của đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tài chính và Bộ Công thương về cơ cấu giá thành của một số doanh nghiệp sản xuất thép giữ thị phần chi phối trên thị trường. Người tiêu dùng muốn biết rõ hơn cách thức tổ chức mạng lưới phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp đang áp dụng hiện như thế nào, nhất là khi các doanh nghiệp luôn nói rằng họ có hàng trăm hệ thống đại lý các cấp trải dài khắp cả nước.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy không những không “quản” được sản phẩm của mình làm ra, nhà sản xuất còn đang bị giới đầu cơ giật dây tùy thích về mặt bằng giá một khi tiếp tục để sản phẩm không được đưa vào vận hành lưu thông trong một hệ thống phân phối một cách lành mạnh, hợp lý nhất.
tuoitre