Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Gậy ông lại đập lưng ông"

Nôn nóng thu hút đầu tư, các địa phương đã cho triển khai quá nhiều dự án thép, thậm chí vượt công suất, gây tổn hại môi trường, tài nguyên khoáng sản bị khai thác bừa bãi, manh mún... Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì việc nhập khẩu các dây chuyền sản xuất thép có thể sẽ biến nước ta trở thành một nơi chứa phế thải, một thị trường nhập khẩu công nghệ bẩn

Bộ Công thương vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW chấn chỉnh ngay việc cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép trên địa bàn. Đặc biệt, tạm dừng cấp phép cho các dự án thép xây dựng thông thường vì công suất đã quá dư thừa; rà soát kỹ các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và kịp thời xử lý, thu hồi đối với các dự án không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện mà không có lý do chính đáng.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành thép, đây là quyết định cần thiết nhưng còn chậm so với tốc độ phát triển quá nhanh của các dự án thép.

Bùng nổ các dự án thép

Ngay sau khi Bộ Công thương có văn bản yêu cầu đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch phát triển ngành thép thì ngày 13/7/2010, Công ty TNHH Nippon Steel Việt Nam đã nhận giấy phép đầu tư nhà máy sản xuất ống thép hàn xoắn trị giá 31 triệu USD tại KCN Phú Mỹ 2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án này cũng như các dự án đầu tư vào thép khác ở tỉnh này đều do Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp giấy phép. Trong khi đó ngành công thương địa phương mới là đơn vị đầu mối, chịu trách nhiệm kiểm soát thực hiện quy hoạch phát triển ngành thép. Chính vì vậy, khi đề tài phá vỡ quy hoạch thép trở thành chủ đề nóng trong cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (diễn ra sáng 14/7/2010), cả hai cơ quan này đều phải giải trình trước HĐND tỉnh.

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện là địa phương có số dự án thép lớn nhất cả nước với 16 dự án. Và đương nhiên số dự án thép vượt quy hoạch của tỉnh này cũng nhiều nhất. Với 7 dự án nằm ngoài quy hoạch, tổng công suất 3.750.000 tấn thép luyện/năm và 10.151.000 tấn thép cán/năm, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đứng trước nguy cơ dư thừa các nhà máy thép. Trong khi đó, có những dự án sản xuất thép chất lượng cao phục vụ công nghiệp đóng tàu và những ngành công nghiệp nặng khác lại chưa triển khai xong.

Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kiến nghị: “Bộ cần xem xét lựa chọn những dự án phù hợp. Những dự án nào sản xuất thép chất lượng cao thì đề nghị để lại. Những dự án sản xuất thép xây dựng thông thường thì đình lại, nhằm tránh gây những tổn thất như lãng phí quỹ đất, khai thác tài nguyên quặng, ô nhiễm môi trường, không đủ điện cho sản xuất…”.

Cần rà soát lại các dự án doanh nghiệp thép

Quy hoạch phát triển ngành thép giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/9/2007 với số dự án thép được phép triển khai là 23 dự án. Theo dự kiến, đến 2015, nhu cầu sử dụng thép cả nước khoảng 15 triệu tấn và năm 2020 là 20 triệu tấn. Thế nhưng, tính đến hết năm 2009, cả nước đã có 65 dự án gang, thép, mỗi dự án có công suất từ 100.000 tấn/năm trở lên hoặc đã đi vào sản xuất, hoặc đang triển khai đầu tư với tổng công suất thiết kế của các dự án lên tới 35,29 triệu tấn/năm. Như vậy, cung vượt cầu khoảng 1,5-1,8 lần.

Trong số các dự án thép vượt quy hoạch, mới chỉ có 16 dự án đã có ý kiến thoả thuận của Bộ Công thương và 6/16 dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Có tới 32 dự án thép khác được địa phương cấp phép, nhưng chưa hề có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Việc bùng nổ các dự án thép như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa công suất mà từ cách đây vài năm, Hiệp hội Thép Việt Nam đã từng lên tiếng cảnh báo. Hiện tại, tổng công suất cán thép xây dựng vượt gần 2 lần công suất luyện, 80% sản lượng phôi thép hiện nay được sản xuất từ thép phế liệu. Điều đáng nói là một số doanh nghiệp không chuyên về thép cũng đầu tư vào các dự án thép. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định, các địa phương do quá nôn nóng thu hút đầu tư nên đã cho triển khai quá nhiều dự án thép, vượt công suất, gây tổn hại môi trường...

Lợi bất cập hại

Ở đây, vấn đề đặt ra là, phải chăng đã có sự vượt quyền trong cấp phép đầu tư các dự án sản xuất thép. Khi các địa phương cho phép đầu tư mà không được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương! Bên cạnh đó, đang có sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật.

Theo Luật Đầu tư, việc một số địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép không xin chủ trương của Chính phủ với các dự án thuộc nhóm B và C với mức vốn nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng là không sai. Nhưng theo Luật Xây dựng và Nghị định 16/2005/NĐ - CP hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, đối với các dự án nhóm B chưa có trong Quy hoạch ngành thì trước khi lập dự án phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch. Do vậy, việc rà soát lại các dự án ngành thép cần dựa trên thực tế của từng dự án, nguồn nguyên liệu và các yếu tố liên quan.

Trên thực tế, việc phá vỡ quy hoạch ngành thép đã bước đầu bộc lộ mặt tiêu cực. Nhiều địa phương đã phải chi ra hàng trăm tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng để phục vụ các dự án thép lớn nhưng dự án triển khai rất chậm hoặc chưa triển khai, gây lãng phí lớn về quỹ đất và kinh phí giải phóng mặt bằng. Tài nguyên khoáng sản phục cho sản xuất thép cũng đang bị khai thác bừa bãi, manh mún. Trong bối cảnh điện còn rất thiếu thì việc bùng nổ các nhà máy thép sẽ càng khiến ngành điện khó cân đối cung - cầu.

Ở châu Âu, để sản xuất được 1 tấn thép phải thải ra môi trường 1,7 tấn khí cacbonic. Ở Việt Nam, cứ làm ra 1 tấn thép, môi trường phải hứng chịu 9 tấn khí cacbonic. Thông thường, sản xuất 1 tấn thép cũng thải ra 200kg xỉ thải, và việc xử lý lượng xỉ thép thải ra trong quá trình sản xuất cũng là một vấn đề nan giải đối với ngành thép nước ta hiện nay.

(TNVN)

ĐỌC THÊM