GDP tăng ngoạn mục, phản chiếu Nhà nước kiến tạo
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phân tích, mức tăng trưởng kinh tế quý III ngoạn mục có được nhờ đổi mới cơ cấu kinh tế và thực hiện Nhà nước kiến tạo.
Tăng trưởng kinh tế đã đạt được những chuyển biến tích cực. GDP trong quý III đã đạt được con số ngoạn mục và kéo theo GDP trong 9 tháng vừa qua đã đạt được con số cao: 6,41%. Trong khi đầu năm nay, rất nhiều chuyên gia kinh tế e ngại mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là khó đạt, bởi GDP trong quý I đạt được rất thấp.
Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet mời quý vị và bạn đọc cùng theo dõi cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Theo dõi cuộc trò chuyện tại video sau:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, gần đây có khá nhiều người bày tỏ những băn khoăn về con số GDP trong quý III vừa qua. Ông có thể nói gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Trước hết, con số tăng trưởng kinh tế trong quý III và 9 tháng đầu năm là phản ánh thực tế nền kinh tế, dựa trên các kết quả sản xuất kinh doanh mà chúng tôi thu được từ các cuộc điều tra cũng như từ các báo cáo. Cho nên, tôi khẳng định, con số trên phản ánh rất thực chất về thực tế sản xuất kinh doanh của toàn bộ nền kinh tế trong quý III và trong 9 tháng vừa qua.
Ngành thống kê luôn hoạt động đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình biên soạn số liệu. Trong quý I, không ai nghĩ tăng trưởng thấp, chỉ có 5,15% mà chúng tôi đã thu thập đánh giá thấy rằng, đúng là 5,15% và đến quý II, tăng trưởng GDP là 6,17%.
Lúc đó, nhiều người không hiểu tại sao nền kinh tế quý I lại có mức tăng trưởng chậm như vậy so với xu hướng phát triển sản xuất của cả năm 2016.
Tôi cũng xin nhấn mạnh, trong vấn đề này, Chính phủ luôn tôn trọng tính độc lập khách quan của số liệu thống kê.
Và nếu nói về tăng trưởng kinh tế, không chỉ riêng có số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê công bố mà chúng ta còn có thể thấy ở một số số liệu do các hãng thông tấn ở nước ngoài đánh giá.
Chẳng hạn gần đây có chỉ số PMI – Chỉ số Nhà quản trị mua hàng của công ty Nikkei đã đánh giá chỉ số của Việt Nam tăng từ 51,2 điểm của tháng 8 lên 53,3 điểm của tháng 9. Đó là mức điểm tăng cao nhất trong các nước ASEAN. Chỉ số này phản ánh được nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế tăng, từ nhu cầu tiêu dùng tăng sẽ mở rộng sản lượng, mở rộng lao động và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Một điểm nữa cũng phản ánh mức tăng trưởng của nền kinh tế là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ngay Diễn đàn kinh tế Thế giới cũng đánh giá, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 5 bậc, một bước tăng rất ngoạn mục.
Đó là những căn cứ của cả trong nước và quốc tế đã đánh giá kết quả tăng trưởng vừa qua là thực chất cũng như tính độc lập khách quan của số liệu thống kê.
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy thưa ông, yếu tố cốt lõi nào đã làm nên kết quả ngoạn mục như vậy?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Điều này có được là từ kết quả tăng trưởng của cả ba khu vực kinh tế.
Thứ nhất, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có mức tăng rất khá là 2,78%. Mức tăng đó đã phản ánh được sự chuyển đổi cơ cấu từ sản xuất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản. Theo chúng tôi đánh giá, hiện nay, diện tích chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp diễn biến rất mạnh từ diện tích trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản.
Giá trị của 1 ha nuôi trồng thủy sản gấp 4,5 lần giá trị của 1 ha trồng lúa hai vụ. Trong 9 tháng đầu năm, nuôi trồng thủy sản có mức tăng rất là cao ( tăng trên 5%).
Yếu tố thứ hai là mức tăng trưởng vượt bậc của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, trong ngành này có nhiều ngành sản phẩm có mức tăng trưởng gần hai con số và trên hai con số. Chẳng hạn như ngành dệt may tăng trên 9%, ngành sản xuất kim loại tăng trên 20%, đặc biệt ngành sản xuất điện tử và các linh kiện điện tử của riêng quý III đối với Samsung là tăng 45%, của 9 tháng là tăng trên 25%.
Đối với khu vực dịch vụ, cũng có mức tăng trưởng rất mạnh (tăng 7,25%). Đây là khu vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của ba khu vực. Ngoài ra nhiều ngành nữa trong khu vực dịch vụ cũng có mức tăng trưởng cao trong giai đoạn 2011 – 2017 đến nay như ngành tài chính ngân hàng, bảo hiểm, hay kinh doanh bất động sản.
|
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê |
Nhà báo Phạm Huyền: Tăng trưởng kinh tế thì đi đôi với sức khỏe, với đời sống doanh nghiệp. Tuy nhiên khi nói về đóng góp của các doanh nghiệp trong tăng trưởng kinh tế, thường mọi người chỉ nhắc đến Formosa và Samsung. Xin ông có thể giải thích rõ hơn?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Thực tế, trong tăng trưởng kinh tế 9 tháng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức đóng góp rất lớn vào tăng trưởng của sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, đặc biệt là đóng góp vào xuất - nhập khẩu của nền kinh tế.
Tôi không phủ nhận vai trò của công ty Formosa cũng như của Samsung. Đối với Samsung, trong 9 tháng đầu năm đặc biệt là quý III có chỉ số tăng trưởng sản xuất lên 45%.
Hay như thép Formosa, từ tháng 8, tháng 9 bắt đầu đi vào sản xuất đã đóng góp vào sản lượng khoảng 0,6 triệu tấn và cả năm nay, dự kiến là sẽ sản xuất ra 1,5 triệu tấn thép. Đấy là những đóng góp của hai công ty này trong tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hai doanh nghiệp trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp và tăng trưởng của nền kinh tế. Ngoài ra, chúng ta còn có sự đóng góp của các doanh nghiệp nước ngoài khác và của khu vực trong nước, cũng đều có mức tăng trưởng rất tốt.
Nhà báo Phạm Huyền:Nhìn lại chuỗi cùng kỳ 9 tháng đầu năm trong 3 năm gần đây 2015, 2016 và 2017 thì có thể thấy tốc độ tăng trưởng của sản xuất và phân phối điện lại có xu hướng giảm từ 11,4%; 12,1% và 9 tháng gần đây là 8,9%. Nhưng ngược lại, tăng trưởng kinh tế lại tăng rất mạnh và khả quan từ 6,5%; 5,99% và đến nay là 6,41%.
Có nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng kinh tế phải tỷ lệ thuận với tăng trưởng của điện. Nhưng trong đây, chúng ta có thể thấy rằng các con số lại đối lập nhau. Vậy xin ông giải thích rõ hơn, đây có phải là một nghịch lý không?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Đúng là năng lượng đầu vào rất quan trọng trong sản xuất cũng như cho tiêu dùng. Chúng tôi thấy dãy số này phản ánh một thực tế khách quan là chất lượng của tăng trưởng đã có những thay đổi.
Trước hết là tại sao tăng trưởng kinh tế vẫn tăng mà tăng trưởng của ngành điện lại không tăng cùng chiều so với tăng trưởng GDP? Điều đó có mấy yếu tố có thể lý giải rõ được.
Trước hết, cơ cấu sản xuất của nền kinh tế có thay đổi. Trước đây, rất nhiều ngành sản xuất sản phẩm tiêu thụ rất nhiều điện, cơ cấu ấy giờ đã thay đổi. Thứ hai là hiện nay các doanh nghiệp, các nhà sản xuất đều tập trung vào tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành để năng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đặc biệt trong 9 tháng đầu năm nay, do biến đổi khí hậu, khí hậu phần lớn thời gian là mát hơn nên lượng điện tiêu dùng trong mỗi hộ gia đình gần như giảm rất mạnh.
Còn nói về năng lực sản xuất điện năm nay, tôi cho là hoàn toàn có thể đáp ứng được tất cả nhu cầu của sản xuất. Mức tăng của điện là 8,6% 9 tháng qua, tôi cho là một mức tăng rất hiệu quả, phù hợp và đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nền kinh tế.
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, ông có thể đo lường ra sao về sự đóng góp của các giải pháp cải cách của Chính phủ trong tăng trưởng kinh tế thời gian vừa qua?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Tôi phải nói rằng mức tăng trưởng trong quý III cũng như 9 tháng gần đây là rất ngoạn mục. Chúng tôi đánh giá nguyên nhân cơ bản đầu tiên là đổi mới cơ cấu của nền kinh tế đặc biệt đổi mới rất mạnh trong nông nghiệp.
Thứ hai, kết quả này đạt được là do vai trò của Nhà nước kiến tạo. Để định lượng là bao nhiêu thì rất khó, nhưng hiệu quả của Nhà nước kiến tạo có thẻ thấy qua nhiều yếu tố.
Đầu tiên là môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp mới thành lập trong 9 tháng đầu năm nay là khoảng 94 nghìn doanh nghiệp, cộng với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tổng số doanh nghiệp là 115 nghìn doanh nghiệp. Chính nhờ môi trưởng đầu tư kinh doanh rất tốt, số vốn của các doanh nghiệp mới thành lập cũng như các doanh nghiệp đã thành lập bỏ thêm vốn vào nền kinh tế tăng rất mạnh so với 9 tháng của các năm trước.
Yếu tố thứ hai là môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Có thể nói trong 9 tháng, mặc dù số lượng dự án không nhiều, nhưng số lượng vốn mới đăng kí và cả số lượng vốn của các dự án đã đầu tư ở Việt Nam bỏ ra đầu tư thêm đã đạt mức cao, vượt qua cả con số của cả năm 2016.
Một yếu tố nữa là thể hiện qua xuất – nhập khẩu, Nhà nước kiến tạo qua việc tìm kiếm thị trường. Xuất nhập khẩu tháng 8 và tháng 9 lần đầu tiên lập kỷ lục, tức xuất khẩu 1 tháng đạt trên 19 tỷ đô la.
Vai trò kiến tạo của Nhà nước còn thể hiện gần đây qua việc cải cách mamhj mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm một số thủ tục trong kinh doanh, ví dụ điển hình như Bộ Công Thương vừa công bố phương án cắt giảm 675 thủ tục và các bộ ngành khác cũng cắt giảm theo. Cho nên, xu hướng tăng trưởng kinh tế hiênnj nay có thể nói là xu hướng thể hiện hiệu quả của Nhà nước kiến tạo.
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy ông có niềm tin như thế nào về tăng trưởng kinh tế của quý IV cũng như là cả năm nay?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Với cái đà tăng trưởng của quý III và của 9 tháng, với việc chuyển đổi cơ cấu, với Nhà nước kiến tạo, với môi trường thuận lợi kể cả trong nước và thế giới cũng có dự báo về mức tăng trưởng nhẹ thì tôi tin mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay chúng ta có thể đạt được.
Nhà báo Phạm Huyền: Cảm ơn ông đã trả lời báo điện tử VietNamNet
Nguồn tin: Vietnamnet