Lệnh yêu cầu đóng của và cắt giảm sản xuất của Trung Quốc đối với các nhà máy sản xuất xả thải ra môi trường trong cuộc đàn áp của Chính Phủ mới đây đã bắt đầu có những ảnh hưởng tới thị trường hàng hóa.
Chính Phủ đã yêu cầu hàng ngàn nhà máy khu vực quanh Bắc Kinh có hoạt động sản xuất gây ảnh hưởng đến môi trường bao gồm các nhà máy thép, nhà máy dệt, xi măng và các nhà máy điện đốt than từ tỉnh Hà Bắc cho tới Sơn Đông phải tuân thủ quy định để chống lại tình trạng khói mù dày đặc bao phủ khắp đất nước trong tuần qua.
Việc đóng cửa với quy mô như hiện nay có thể kìm hãm sản lượng hàng hóa của Trung Quốc nhiều hơn dự tính và ảnh hưởng lớn đến nhu cầu về nguyên liệu thô như quặng sắt và than đá, làm tắc nghẽn các chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động không nhỏ đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong đầu năm 2017.
“Nó làm xuất hiện những rủi ro giảm giá của hàng hóa ngay trong thời gian ngắn”, nhà kinh tế hàng hóa toàn cầu của ngân hàng HSBC khu vực Australia và New Zealand cho hay.
Có rất ít tiền lệ mà tới 24 thành phố của Trung Quốc phải ban hành cảnh báo đỏ về ô nhiễm, mức cảnh báo cao nhất buộc nhiều hoạt động phải tạm ngưng đột ngột, từ trường học, đường cao tốc, bến cảng và một số sân bay.
Trước đó, Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu đóng cửa đối với các nhà máy thép và nhà máy hóa dầu gần các thành phố như Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang để đảm bảo bầu trời có màu xanh trước khi diễn ra sự kiện hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng Chín.
Trung Quốc đang chịu những ảnh hưởng nặng nề từ những năm phát triển công nghiệp nặng và trở thành nước sản xuất thép cũng như kim loại cơ bản hàng đầu của thế giới, họ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong đó phải tập trung giải quyết việc dư thừa công suất và làm trong lành lại môi trường đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Thị trường hàng hóa tuần qua đã chịu tác động từ tình hình tại quốc gia này. Quặng sắt giao tháng 5 trên sàn Đại Liên đã sụt giảm 9,3% trong tuần, mức giảm theo tuần lớn nhất kể từ tháng 5. Thép thanh vằn cũng mất 11% xuống mức thấp nhất ba tuần, ở 2.992 nhân dân tệ (430,57 USD)/tấn, than cốc sụt giảm gần 4% trong tuần, xuống mức thấp nhất 7 tuần ở 1.634 nhân dân tệ/tấn.
Tuy nhiên, trong dài hạn, HSBC cho rằng từ các cải cách của Trung Quốc sẽ khiến cho nguồn cung thắt chặt và đẩy giá hàng hóa lên, bao gồm cả than đá và quặng sắt.
Cuộc chiến chống ô nhiễm đang trở thành vấn đề hàng đầu của xã hội lúc này, cả Trung Quốc đang ưu tiên giải quyết ô nhiễm và nâng cấp nền kinh tế dần chuyển dịch khỏi các ngành công nghiệp nặng. Bắc Kinh hiện đang gia tăng áp lực xã hội và kinh tế để đối phó với không khí độc hại gây thiệt hại đối với sức khỏe của người dân.
Nguồn tin: NDH