Các thương nhân và các nhà máy nhỏ Trung Quốc vẫn đang tích cực chào bán HRC vào Việt Nam ở mức giá thấp hơn do giá nội địa giảm. Tuy nhiên, người mua Việt Nam đứng ngoài cuộc do lo ngại giá giảm tiếp. Chào bán HRC thương phẩm Trung Quốc dao động biên độ rộng, từ 860-910 USD/tấn cfr Việt Nam. Đã có giao dịch giá thấp 850-855 USD/tấn cfr cho khối lượng nhỏ. Không có chào bán HRC SAE1006 Trung Quốc trên thị trường, vì người bán chủ yếu muốn theo dõi tình hình.
Nhật Bản cũng cắt giảm giá chào HRC SAE so với các tuần trước, xuống 940 USD/tấn cfr Việt Nam, trong khi Ấn Độ giữ giá mức 900-920 USD/tấn cfr Việt Nam vì nguồn cung thép nội địa giảm do thiếu than và giá cả nội địa tăng.
Xu hướng giá cả sắp tới còn rất nhiều bất ổn với nhân tố chính là sự biến động giá Trung Quốc. Chính phủ sẽ còn đàn áp giá than và các cắt giảm sản xuất kéo giá quặng giảm, gây áp lực giá thép. Song giá cũng được hỗ trợ không giảm sâu mà tăng giảm đan xen dựa vào các cắt giảm sản xuất tăng cường cho thu đông.
Mỹ và Châu Âu đã đạt được thỏa thuận một phần về việc hủy bỏ thuế quan mục 232 cho thép Châu Âu nhập khẩu vào Mỹ. Điều này dự kiến hỗ trợ giá thép Châu Âu, song gây áp lực thị trường Mỹ vì tăng tính cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. Đây cũng là nhân tố gây bất ổn cho xu hướng giá thép thế giới sắp tới.
Do đó, thị trường nhập khẩu HRC Việt Nam chủ yếu đón nhận chào bán hơn là chào mua và giao dịch. Giá từ các nguồn dự kiến còn giảm trong nửa đầu tháng 11 tầm 10-30 USD/tấn với nhu cầu từ Việt Nam chưa sôi động do tình hình dịch bệnh và thời tiết vào mùa mưa làm trì hoãn các hoạt động tiêu thụ. Người mua vẫn sẽ ưu tiên vào các nhà máy nội địa là Formosa và Hòa Phát. Hai nhà máy này đã liên tục giảm giá trong nhiều tháng qua và có thể sẽ tăng giá nhẹ trở lại từ tháng này. Giá chào nhập khẩu cũng dự kiến sẽ tăng lại nửa cuối tháng 11, phục hồi mức lỗ nửa đầu tháng.