Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá điện tăng, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ

 Không chỉ người dân mà nhiều doanh nghiệp sản xuất, với mức sử dụng điện năng cao thì việc tăng giá điện gây ra lo ngại sẽ phát sinh chi phí sản xuất và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

Các doanh nghiệp ngành thép nỗ lực cải tiến công nghệ nhằm giảm chi phí sản xuất. Ảnh minh họa: TTXVN

Kể từ ngày hôm nay (1/12), giá bán lẻ điện chính thức được điều chỉnh tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành, từ 1.622 đồng/kWh lên mức 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù tăng giá điện là điều tất yếu phải xảy ra, song sẽ khiến chi phí sinh hoạt của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng theo.

Anh Nguyễn Phi Hùng, Bạch Mai-Hà Nội cho rằng, hiện mỗi tháng, gia đình anh sử dụng hơn 2 triệu đồng chi phí tiền điện, chưa tính cao điểm ngày hè nắng nóng. Với mức tăng giá điện và cách tính bậc này, hàng tháng, gia đình sẽ phải trả thêm từ 200.000-250.000 đồng tiền điện. Cùng với đó, anh Hùng lo ngại giá cả nhiều mặt hàng sẽ “tát nước theo mưa”.

Không chỉ người dân mà nhiều doanh nghiệp sản xuất, với mức sử dụng điện năng cao thì việc tăng giá điện gây ra lo ngại sẽ phát sinh chi phí sản xuất và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Minh Khang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đông Bình, chuyên sản xuất hàng dệt may thì chi phí tiền điện chiếm khoảng từ 12-15% trong giá thành sản phẩm của công ty. Nay giá điện tăng chắc chắn chi phí sản xuất tăng, tác động đến giá hàng hóa. Trong bối cảnh không thể tăng giá bán sản phẩm thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ ngày càng sụt giảm. Doanh nghiệp buộc phải tính toán để tránh làm vào giờ cao điểm.

Song ông Khang cũng lo lắng, nếu để công nhân làm ca đêm để chọn thời gian thấp điểm, giá điện giảm để giảm chi phí tiền điện, nhưng lại phải bù tiền cho công nhân làm ca 3 thì cũng "quá tội".

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, mặc dù nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực cải tiến công nghệ sản xuất, đưa vào nhiều công nghệ mới, nhưng mức tiêu thụ điện năng trong ngành thép vẫn được đánh giá là khá cao. Việc tăng giá điện bình quân lên mức 6,08% sẽ có tác động không nhỏ tới doanh nghiệp.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thép chi phí hàng tỷ đồng cho tiền điện/tháng, với mức tăng giá điện này, doanh nghiệp sẽ phải chi thêm hàng trăm triệu đồng/tháng, trong khi thị trường thép đang cạnh tranh rất khốc liệt. Ông Sưa cho hay.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, việc tăng giá điện cũng sẽ phần nào loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, công nghệ lạc hậu, gây hao tốn điện năng. Nếu doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, thì chi phí tiền điện sẽ chỉ khoảng từ 350 - 400 kWh/tấn, nhưng với công nghệ thấp, mức tiêu hao điện năng có thể tới 600 kWh/tấn. Vì thế, Hiệp hội Thép cũng luôn khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành đổi mới công nghệ sản xuất và cắt giảm chi phí đầu vào hơn nữa để có thể tăng tính cạnh tranh.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giá điện giữ ở mức thấp nhiều năm qua đã khiến đầu tư vào ngành thép và nhiều ngành nghề khác một cách tràn lan, trong khi đó, bản thân ngành điện lại không khuyến khích được đầu tư.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, tình trạng này về lâu dài sẽ làm mất cân đối cung cầu. Vậy nên tăng giá điện là điều bất đắc dĩ. Đồng thời, phải chấp nhận, tăng giá điện chắc chắn sẽ tăng giá các mặt hàng khác. Có thể dễ dàng tính toán, tùy theo hệ số sử dụng điện sẽ phải tăng lên từ các ngành dệt may, chăn nuôi, thức ăn, thủy sản…, những mặt hàng này tăng sẽ góp phần làm tăng chỉ số giá tiêu dùng của cả nước.

“Biện pháp để giảm sản lượng tiêu thụ điện, người dân cần triệt để tiết kiệm, khuyến khích đầu tư vào năng lượng điện tái tạo, ví dụ: điện mặt trời, điện gió… đó là động cơ để khuyến khích tự sản xuất điện. Đây là xu thế mà trên thế giới đang áp dụng. Bên cạnh đó, trong sản xuất, các doanh nghiệp cần vận dụng công nghệ hiện đại để giảm bớt lượng điện tiêu thụ. Ngoài ra, cần khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào xây dựng thủy điện siêu nhỏ, năng lượng mặt trời, năng lượng gió…”, ông Doanh nói.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi giá bán điện bình quân được điều chỉnh tăng trong khoảng từ 3,98 - 6,09% so với giá bán điện hiện hành từ thời điểm 1/10/2017 sẽ dẫn đến việc tăng chỉ số giá tiêu dùng trong 3 tháng cuối năm 2017 khoảng từ 0,11 - 0,16%, làm tăng chỉ số giá sản xuất trong khoảng từ 0,29 - 0,44% và làm giảm tăng tổng sản phẩm trong nước trong khoảng từ 0,0425% - 0,0625%.

Tuy nhiên thời điểm điều chỉnh giá điện hiện nay vào thời điểm đầu tháng 12 nên việc ảnh hưởng đến các chỉ tiêu trên là không đáng kể và trong năm 2017 vẫn đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân 4%; đồng thời, có thể chủ động trong điều hành giá cả năm 2018.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, với mức giá điện điều chỉnh tăng bình quân 6,08% thì đối với các hộ dân có thu nhập thấp với mức tiêu thụ điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng thì chi phí tiền điện phải trả sẽ tăng thêm 4.500 đồng/tháng. Đối với các hộ dân tiêu thụ điện ở mức đến 100 kWh/tháng thì mức chi trả tăng thêm 9.172 đồng/tháng…/.

Nguồn tin: Bnews

ĐỌC THÊM