Giá điện tăng 5% từ ngày 22-12 vừa qua khiến các nhà sản xuất thép, xi măng trong nước thêm khó khăn bởi chi phí đầu vào tăng cao, nhưng giá bán ra không thể tăng được do nhu cầu tiêu thụ thép, xi măng đang giảm sút mạnh.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (24-12), ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, điện cho sản xuất xi măng có giá bình quân 2.300 đồng/kWh, một tấn xi măng dùng khoảng 100 kWh điện nên qui ra khoảng 230.000 đồng tiền điện cho mỗi tấn.
Nếu điện tăng thêm 5% thì một tấn xi măng thêm chi phí khoảng 13.000 - 15.000 đồng/tấn.
Do vậy, việc tăng giá điện đã gây thêm áp lực lên các doanh nghiệp xi măng bởi nhu cầu xi măng lại đang giảm, bởi thế mặc dù chi phí sản xuất tăng nhưng doanh nghiệp không thể tăng giá bán xi măng được. Mấy tháng nay, giá các loại xi măng Hà Tiên 1, Holcim giữ ở mức 1,7 triệu/tấnm giá các loại xi măng khác cũng dao động trong khoảng 1,4-1,7 triệu đồng/tấn.
Ông Thiện cho rằng ngành điện có quyền tăng giá bởi vẫn còn là ngành độc quyền, còn các doanh nghiệp sản xuất sử dụng điện đành ráng chịu đựng, không thể kêu ai mỗi khi điện tăng giá.
“Giờ ngành xi măng đang ở trong thời bỉ cực, sản xuất đang chìm dần, chìm dần. Nói ra nghe buồn thêm, một số doanh nghiệp xi măng đã dừng hẳn hơn phân nửa công suất, một số bán nhà xưởng, số còn lại chỉ duy trì 50-80% công suất”, ông Thiện cho hay.
Ông Thiện tổng kết mức tiêu thụ xi măng nội địa trong năm 2012 ước đạt khoảng 45 triệu tấn, giảm 4 triệu tấn so với năm 2011. Trong khi đó, xuất khẩu xi măng gần đây có lạc quan hơn, trong năm nay xuất khẩu đạt khoảng 7,5-8 triệu tấn, tăng nhẹ so với năm 2011.
Còn theo ông Đinh Huy Tam, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thì tăng giá điện trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay khiến sản xuất của các doanh nghiệp thép càng thêm khó bởi đầu ra ngành thép đang rất chậm do thị trường bất động sản còn đóng băng.
Trước đó, qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt tỏ ra lo lắng cho số phận của các nhà sản xuất phôi thép trong nước một khi điện tăng giá bởi đây là ngành tiêu thụ khá nhiều điện, bình quân mất 600 kWh điện cho một tấn phôi.
Cụ thể, ông Thái tính toán chi phí sản xuất một tấn phôi trong nước hiện vào khoảng 590 đô la Mỹ, tương đương với giá phôi nhập khẩu. Vì vậy, khi giá điện tăng nghĩa là chi phí sản xuất phôi sẽ cao hơn giá phôi nhập khẩu, lúc này ngành thép đang có nguy cơ trở lại thời nhập khẩu ồ ạt, nguy cơ hàng ngàn công nhân ngành thép trong nước thất nghiệp đang cận kề.
Ông Thái cho rằng hiện nhiều nhà máy thép, phôi đang lỗ lớn, năng lực cạnh tranh suy yếu, việc bồi thêm giá điện tăng thì ngành thép sẽ càng kiệt quệ.
Nguồn tin: TBKTSG Online