Điện là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất kinh doanh, nên điện tăng giá sẽ tạo áp lực cho rất nhiều ngành, đặc biệt là những ngành sử dụng lượng điện lớn.
Từ ngày 1/3/2009, giá điện bình quân đã tăng thêm 8,92% lên mức 948,5 đồng/KWh. Lần tăng giá này, giá điện được điều chỉnh theo hướng giảm dần bù chéo giữa điện cho sản xuất và điện sinh hoạt. Do vậy mà mức giá điện sinh hoạt bình quân tới 13% nhưng điện cho sản xuất chỉ tăng từ 6,5-7%.
Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, điều này càng gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, dẫn đến những giải pháp kích cầu không đạt hiệu quả.
Theo tính toán của Bộ Công Thương thì tác động của lần tăng giá này tới chi phí tăng thêm ở đa số các ngành sản xuất chỉ ở mức dưới 1% giá thành với tổng chi phí phải chi thêm trong năm 2009 ước khoảng 2.300 tỷ đồng. Xét trên tổng thể nền kinh tế, tác động của việc tăng giá điện nhìn chung là không lớn (làm CPI tăng 0,25-0,3% và giảm 0,35% GDP dự kiến của năm 2009).
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nó sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của một số doanh nghiệp thuộc những ngành tiêu hao điện năng lớn như sản xuất xi măng, thép … Điều này có thể dễ dàng thấy được qua một vài phép tính đơn giản.
Đối với ngành thép, trong hầu hết các công đoạn như luyện phôi, cán thép… chi phí điện năng chiếm một vị trí tỷ lệ lớn từ 10-20% giá thành. Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cần khoảng 500kWh điện để sản xuất 1 tấn phôi thép và 400kWh cho 1 tấn thép. Như vậy việc tăng giá khiến cho nhiều doanh nghiệp phải chi thêm hàng tỷ đồng.
Sự tăng giá điện sẽ càng làm các doanh nghiệp ngành thép thêm khó khăn sau khi hầu hết các doanh nghiệp đã phải chịu những khoản lỗ nặng trong quý IV do sản xuất không tiêu thụ được (Tập đoàn Hòa Phát lỗ 233 tỷ, Tập đoàn Hoa Sen lỗ 116 tỷ…).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành thép và xi măng cũng sẽ phải đối mặt với khả năng tăng giá than, một chi phí thậm chí còn lớn hơn chi phí điện. Chi phí tăng mạnh trong khi giá bán ít có khả năng tăng (xi măng là mặt hàng nhà nước kiểm soát giá) sẽ tác động không nhỏ tới hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, doanh thu giảm sút mà giá thành lại tăng lên dù chỉ một vài phần trăm cũng sẽ trở thành một gánh nặng cho doanh nghiệp.
Bên cạnh những tác động tiêu cực thì cũng cần nhìn nhận những ảnh hưởng tích cực của việc tăng giá điện. Lâu nay, giá điện ở Việt Nam vẫn khá rẻ so với hầu hết các nước trong khu vực nên nhiều doanh nghiêp sẵn sàng sử dụng các công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng.
Do vậy, việc tăng giá điện hợp lý có thể sẽ buộc các công ty phải tìm cách hoạt động hiệu quả hơn bằng việc sử dụng các công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng để có thể đảm bảo phát triển bền vững lâu dài.
(Vinanet)