Cả nước có 32 nhà máy thép thì chỉ có 4 nhà máy có công nghệ hiện đại, già nửa số đó công nghệ rất lạc hậu và có lẽ, tăng giá điện thì mới đóng cửa được các nhà máy này, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam bày tỏ.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, chia sẻ với PV. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam quanh câu chuyện giá điện và ngành thép đang nóng hiện nay, nhất là khi ngành thép bị kêu ca thép đang ngốn quá nhiều điện.
Cú hích đóng cửa các nhà máy lạc hậu
- Thưa ông, ngành thép xuất khẩu tới 1,3 triệu tấn, tăng vượt bậc nhưng ngành than, ngành điện đều cho rằng, đó là xuất khẩu năng lượng rẻ. Ông có ý kiến thế nào?
Ông Phạm Chí Cường: Thực ra, số 1,3 triệu tấn thép xuất khẩu đó chủ yếu những chủng loại thép không tiêu hao nhiều năng lượng. Trong đó, gần 1 triệu tấn là thép gia công, tái xuất khẩu như cuộn cán nguội, có khoảng nửa triệu tấn của Posco, thép ống…, chỉ tiêu hao 100 kWh/tấn thôi, chứ không phải là 600 kWh/tấn như các lãnh đạo Chính phủ nói.
Hơn nữa, trong nước, công suất sản xuất thép đều gần gấp đôi so với nhu cầu nên các doanh nghiệp thép buộc phải xuất khẩu, chứ không phải họ tận dụng giá điện rẻ để xuất khẩu.
Năm rồi, ngành thép nhập siêu tới hơn 5,5 tỷ USD, nhập khẩu hơn 6,5 tỷ USD và xuất hơn 1 tỷ USD. Nếu không xuất khẩu thì ngành thép sẽ là một tội đồ nhập siêu của đất nước.
- Tuy nhiên, ngành điện vẫn kêu ca rằng, thép là ngành tiêu hao nhiều điện nhất, là gánh nặng cho ngành điện trong bối cảnh hiện nay. Ông có ý kiến gì về điều này?
Cả nước ta hiện có 32 nhà máy đang luyện cán thép thì chỉ có 4 nhà máy áp dụng công nghệ hiện đại của các nước G7. Đó là thép Việt Ý, Thép Việt, Tổng công ty thép Việt Nam, Hòa Phát, đều đầu tư xây dựng sau năm 2005. Chúng ta cũng chỉ có 10 nhà máy công nghệ trung bình, có cải tiến rồi và hiện vẫn phải cải tiến tiếp mới đạt mức tiên tiến của thế giới.
Ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (ảnh: Phạm Huyền) |
Còn lại, 18 nhà máy có công nghệ rất lạc hậu, công suất sản xuất thép nhỏ, cỡ 10-20 vạn tấn/năm, có cả của Nhà nước và tư nhân, xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Chênh lệch về tiêu hao nhiên liệu, năng lượng giữa 2 “cấp” công nghệ thép là rất lớn. Ví dụ, ở 4 nhà máy thép hiện đại trên, khi cán thép, họ chỉ tiêu hao 30kg dầu/tấn, thì các nhà máy lạc hậu, vẫn có nơi tiêu hao tới 60-70kg dầu/tấn. Về điện cũng thế, một lò luyện hiện đại chỉ tiêu hao 350- 400 kWh/tấn,nhưng giờ vẫn còn có những nhà máy tiêu hao tới 600 kWh/tấn.
Chênh lệch gấp đôi về tiêu hao năng lượng như thế thì sẽ báo động một điều rằng, các doanh nghiệp phải cải tiến kỹ thuật mạnh. Nếu không, cứ cạnh tranh sòng phẳng thì họ sẽ phải đóng cửa.
Ngoài ra, ngay trong nước mình, nếu doanh nghiệp cứ tiêu thụ điện cao như thế, đất nước càng thiếu điện, giá điện sẽ không giữ mãi được, rồi sẽ phải tăng thì sớm muốn, anh doanh nghiệp đó cũng không trụ nổi vì giá thành cao.
- Quan điểm của ông thế nào về việc ngành điện cho rằng, vì giá điện quá rẻ nên các nhà máy thép lạc hậu các có cớ tồn tại lâu?
Đúng là các doanh nghiệp thép hiện nay đang được bao cấp giá điện, rồi cả giá than, giá dầu cũng rẻ nên cứ tiêu hao nhiều điện, nhiều nhiên liệu như thế để mà tồn tại. Cho nên, cá nhân tôi cũng ủng hộ chuyện tăng giá điện. Nếu không tăng giá điện thì sẽ không thể nào đóng cửa những nhà máy lạc hậu được. Nhưng giá điện tăng cần có lộ trình, từng bước, đừng gây sốc cho thị trường, đừng tăng giá thế nào mà để phá sản cả một ngành thì sẽ ảnh hưởng kinh tế xã hội nhiều.
Hôm rồi họp ở Bộ Công Thương, ngành điện cũng hỏi tôi quan điểm về tăng giá. Tôi nghĩ rằng, điện cũng như thép thôi, cũng đi kinh doanh, nhà nước không bù lỗ mãi được, mà kinh doanh cứ lỗ thì không thể phát triển được.
- Còn chuyện ngành điện sẽ không đồng ý cấp điện cho các nhà máy ngoài qui hoạch, liệu có hợp lý không thưa ông?
Riêng chuyện xé rào qui hoạch thép, mấy năm nay, tôi đã kiến nghị rất nhiều lần rồi. Không thể để cho địa phương cấp phép dự án thép tràn lan như thế, chẳng có một quy chuẩn gì cả.
Trước, luật cho phép dự án có vốn đầu tư dưới 1.500 tỷ đồng, địa phương được quyền cấp phép, nhưng phải hiểu là cấp phép trong qui hoạch. Còn nếu ngoài qui hoạch thì phải có sự thỏa thuận để cân đối cung ứng điện, giao thông vận tải, cảng, môi trường, đất đai. Nhưng thực tế, chính quyền các địa phương dùng quyền của mình theo kiểu, cứ dự án dưới 1.500 tỷ đồng là cấp phép mà chả có thỏa thuận, cân đối năng lượng gì.
Công nghệ thép phải cải tiến mạnh mẽ mới trụ nổi trong cạnh tranh (ảnh: theo congthuong) |
Cho nên, địa phương nào cũng làm thép. Có một tí mỏ quặng sắt, chưa điều tra gì cả, trữ lượng khai thác sâu bao nhiêu hay chỉ là trữ lượng sơ bộ, chỉ có những con số mơ hồ mà cũng cho doanh nghiệp làm thép. Dự án đi vào triển khai thực tế, mới thấy không có quặng sắt, lại đóng cửa, rất lãng phí. Trong có 2 năm mà các địa phương cấp tới 3000 giấy phép khai thác quặng sắt, đào nát cả đất đai tài nguyên lên. Đó là một điều rất lạ.
Tôi đồng ý với bên điện là chỉ cấp điện cho dự án nằm trong qui hoạch, còn ngoài qui hoạch thì không cấp điện.
Sẽ không thể kéo dài bảo hộ cho ngành thép
- Với mức tiêu hao năng lượng gấp đôi như thế, tại sao tới giờ này, chưa có nhà máy thép nào bị đóng cửa, phá sản, thưa ông?
Đến nay, chưa có ai bị đóng cửa, chưa bị phá sản, nghĩa là, bảo hộ của ta trong ngành thép còn rất cao. Vì nhìn vào đó, lượng nhà máy lạc hậu chiếm già nửa, nếu không cải tiến, sẽ khó tồn tại trong cạnh tranh. Ta vẫn còn đang kiểm soát nhập khẩu nhưng biện pháp bảo hộ đó không thể kéo dài mãi được.
Cực chẳng đã, một mặt, chúng ta phải đi khẩn khoản từng nước để được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường, một mặt, hiệp hội chúng tôi, và cả cơ quan quản lý chuyên ngành cũng phải gắng gượng để có những biện pháp kiểm soát nhập khẩu, hạn chế sản xuất những chủng loại dư thừa để các doanh nghiệp trong nước không bị chèn ép.
Nhưng trước sau gì thì không thể kéo dài mãi chuyện bảo hộ đó được.
- Vậy theo ông, các doanh nghiệp thép phải làm thế nào?
Các doanh nghiệp thép sẽ phải chấp nhận trong vài năm nữa, không còn con đường nào khác là phải tự thân vận động, một là chất lượng ngang ngửa như người ta, hai là giá thành. Nếu các doanh nghiệp còn những trang thiết bị quá cũ thì phải tính chuyện cải tạo, chuyển nhượng, đóng cửa.
Tôi cũng không muốn các nhà máy thép đóng cửa, nhưng nếu lạc hậu thì phải tái cơ cấu lại, không đủ sức thì phải bán đi. Trên thực tế, nhà máy thép Đình Vũ đã bán cho thép Úc rồi, một số nhà máy thép khác do công nghệ kém, không cạnh tranh nổi cũng đang rao bán. Đó là một xu hướng tất yếu của ngành thép nếu muốn tồn tại. Nhất là tương lai 4 năm tới, thuế thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là 0%, các doanh nghiệp thép Việt Nam không chịu cải tiến để hạ giá thành thì khó mà cạnh tranh được.
Nguồn:Diễn đàn Kinh tế