Giá thép đã liên tục giảm tới 13-14 lần, đưa mặt bằng giá thép về còn 14,5 - 16 triệu đồng/tấn. Dù vậy, sản lượng tiêu thụ thép trong nước vẫn rất ảm đạm.
Từ đầu tháng 5 đến nay, giá thép đã liên tục giảm tới 13-14 lần, đưa mặt bằng giá thép về còn 14,5 - 16 triệu đồng/tấn. Dù vậy, sản lượng tiêu thụ thép trong nước vẫn rất ảm đạm.
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện trên thị trường thế giới, giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 9/8/2022 giao dịch ở mức khoảng 183 USD/tấn FOB, giảm mạnh so với mức khoảng 520 USD hồi tháng 4/2022 trước đó.
Giá quặng sắt (loại 62% Fe) ngày 9/8/2022 giao dịch ở mức 108,55 - 109,05 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 4,2 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 7/2022. Mức giá này đã giảm khoảng 102 - 104 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (từ 210 - 212 USD/tấn).
Ở trong nước, VSA cho biết, giá thép phế nội địa giảm mạnh từ 1.000 đến 1.400 đồng/kg, hiện giữ mức khoảng 8.500 - 9.000 đồng/kg. Giá phế nhập khẩu giảm 130 USD/tấn giữ mức 370 USD/tấn CFR vào cuối tháng 7 - đầu tháng 8/2022.
Đại diện VSA cho hay, trong 7 tháng năm 2022, kinh tế toàn cầu khó khăn khi lạm phát tăng cao, các ngành sản xuất tăng trưởng chậm lại; trong đó có các ngành công nghiệp sử dụng thép. Giá nguyên vật liệu sản xuất thép biến động mạnh, cụ thể giá các loại quặng sắt, thép phế, than cốc hồi đầu quý II/2022 đến nay liên tục giảm, với mức giảm 40-50% so với hồi cuối quý I/2022, các doanh nghiệp sản xuất thép bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, hiệu quả thấp.
Trước tình hình giá nguyên liệu đầu vào giảm, hàng loạt thương hiệu thép trong nước đã tiếp tục giảm giá những ngày đầu tháng 8/2022. Đây là lần giảm thứ 13-14 liên tiếp trong 3 tháng qua, với mức giảm từ 200.000 đồng/tấn đến 1,2 triệu đồng/tấn.
Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, thương hiệu thép Hòa Phát giảm thêm 300.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này lần lượt còn 14,88 triệu đồng/tấn và 15,74 triệu đồng/tấn. Tương tự, thép Việt Ý, loại thép CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn, xuống còn 14,75 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn.
Như vậy, tính từ đầu tháng 5/2022 (thời điểm bắt đầu chuỗi tăng), giá thép đã điều chỉnh giảm tổng mức giảm đến nay đã lên tới 3,6 - 5 triệu đồng/tấn, tùy từng doanh nghiệp và từng chủng loại sản phẩm, đưa giá thép về mốc 14,5 - 16 triệu đồng/tấn.
Theo anh Ngô Quốc Khánh, chủ đại lý sắt thép tại Hà Nội, giá thép giảm mạnh, nhưng lượng bán chậm khiến cửa hàng không dám ôm nhiều hàng. Không biết thời gian tới giá cả biến động ra sao, nhưng những tháng qua thực sự là khó khăn, thời điểm giá tăng đột biến thì không có hàng để lấy, đến nay giá đảo chiều thì không ai dám ôm hàng. Chỉ trong hơn 2 tháng qua, các hãng thép liên tục thông báo điều chỉnh giá giảm, như vậy, với những lô hàng cũ, anh phải nhanh chóng tìm nguồn để xả hàng, tránh lỗ do chênh lệch giá.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép thô thế giới của 64 quốc gia trong tháng 6 năm 2022 đạt 158,1 triệu tấn, giảm 5,9% so với tháng 6 năm 2021. Nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới - Trung Quốc - đã chứng kiến sản lượng thép trong 6 tháng đầu năm nay giảm 6,5% so với năm ngoái, một phần do ảnh hưởng của chính sách Zero COVID-19.
Tuy nhiên, ngay cả khi những hạn chế đó được nới lỏng, sản lượng trong tháng 6 vẫn thấp hơn 3,3% so với năm trước. Sản lượng sản xuất thép giảm cũng được các chuyên gia dự báo về những gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với ngành thép toàn cầu. Theo đó, với tỷ lệ lạm phát tràn lan trên toàn cầu, chính sách điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng trung ương khiến các chuyên gia lo ngại nền kinh tế sẽ bị đẩy vào suy thoái, do đó nhu cầu sẽ giảm đối với tất cả các mặt hàng, không chỉ riêng thép.
Tính trong 7 tháng vừa qua, sản xuất thép các loại đạt gần 13 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ đạt hơn 12,2 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó xuất khẩu đạt 452.000 tấn, giảm 63% so với cùng kỳ 2021.
Tính riêng tháng 7/2022, dù sản xuất phục hồi với lượng thép xây dựng sản xuất đạt hơn 1 triệu tấn, tăng gần 14% so với tháng trước đó, nhưng lượng tiêu thụ đạt 1 triệu tấn, giảm nhẹ 1,52% so với tháng trước.
VSA lý giải, giá nguyên vật liệu giảm liên tục từ cuối tháng 4/2022 đến nay khiến thị trường chững lại. Nhu cầu tiêu thụ thép giảm sút do mùa vụ và giải ngân đầu tư công chậm. Các nhà phân phối, đại lý thép tìm cách giảm tồn kho, chỉ mua loại và lượng hàng cần thiết đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong khi đó, các nhà máy tìm thêm thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu (Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc), Canada, Hoa Kỳ…).
Đa phần các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau. Hiện nay các nhà máy áp dụng một tuần một giá mới và bảo lãnh giá bán trong tuần khiến thị trường bất ổn, các nhà máy càng khó khăn hơn trong tiêu thụ hàng hóa. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và giữ thị phần.
Tập đoàn Hòa Phát cho biết, trong những tháng qua, thị trường thép trong nước tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu yếu, thời tiết bắt đầu bước vào mùa mưa. Điều này khiến tiêu thụ trong nước gặp nhiều khó khăn. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép, với việc nhu cầu nội địa yếu, giá thép giảm có thể khiến nhà đầu tư dễ tiếp cận với các công trình đầu tư công đã được phê duyệt hơn, nhưng điều này cũng phụ thuộc vào tiến độ giải ngân các dự án. Những biến động khó lường của thị trường nguyên vật liệu và việc giải ngân đầu tư công vẫn chậm khiến cho thị trường về cuối năm ảm đảm.../.
Nguồn tin: Bnews