Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá giảm, tồn kho lớn, thị trường thép đối mặt với nhiều thách thức

Năm 2022 chứng kiến hàng loạt khó khăn của ngành thép. Sau khoảng thời gian tăng mạnh giá bán thép của năm 2021, từ đầu năm 2022 đến nay, giá thép được điều chỉnh giảm tới 15 lần. Doanh nghiệp sản xuất thép “lao đao” vì thua lỗ, hàng tồn kho lớn. Doanh nghiệp thép đang kỳ vọng vào sự phục hồi của hoạt động xây dựng, giải ngân đầu tư công dịp cuối năm 2022.

Doanh nghiệp đau đầu vì nhu cầu giảm

Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) ghi nhận, tháng 10/2022, doanh số bán hàng thép các loại đạt 1,998 triệu tấn, giảm 7,19 % so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ. Nhu cầu yếu dẫn tới hàng loạt doanh nghiệp (DN) thép báo lỗ nặng trong quý III/2022 vừa qua, với các khoản nợ lớn đè nặng lên hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành thép lâm vào cảnh khó khăn hiện nay do nhu cầu vật liệu thép suy yếu, trong khi giá nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất tăng cao, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh đang khiến cho hàng loạt doanh nghiệp thép phải chật vật xoay xở, đua nhau báo lỗ.

Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát mới đây đã công bố lợi nhuận sau thuế quý III/2022 âm 1.786 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên “ông lớn” trong ngành thép báo lỗ (tính theo quý) sau hơn 13 năm. Về doanh thu quý III/2022, Hòa Phát ghi nhận đạt hơn 34.440 tỷ đồng, giảm tới 12% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm gần 8% so với quý II.

Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam. Đồ họa: Văn Chung

Lãnh đạo Hoà Phát cho biết, nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh, khiến DN lao đao.

Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco), trong quý III/2022, lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm ngoái giảm 34,903 tỷ đồng, lỗ 25 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần của Tisco đạt 9.525 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 8 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và 93% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng là 22,4 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm là 110 tỷ đồng, Tisco mới thực hiện được 1/5 mục tiêu.

Theo đại diện Tisco, lợi nhuận sau thuế quý III đã "bốc hơi" 93% so với cùng kỳ năm trước. Có 2 nguyên nhân, trong đó, sản lượng tiêu thụ giảm 21.895 tấn (11,4% so với cùng kỳ) và giá bán điều chỉnh giảm mạnh dẫn tới tổng doanh thu giảm 15%.

Các “đại gia” khác trong ngành thép cũng không thoát khỏi cảnh lỗ nặng trong quý này là: Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) báo cáo lỗ ròng 887 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 lãi sau thuế 940 tỷ đồng. Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) cũng báo lỗ kỷ lục hơn 400 tỷ đồng, sau khi doanh thu giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 4.424 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân thua lỗ, các DN sản xuất thép còn cho rằng do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine, chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc, lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng đến ngành thép và xây dựng trong nước. Bên cạnh đó, chính sách siết room tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản làm giảm nhu cầu sử dụng thép.

Kỳ vọng vào sự tăng tốc đầu tư công cuối năm

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế và VSA, thông thường mọi năm tháng 9 âm lịch đến gần Tết Nguyên đán là thời điểm người kinh doanh thép mong chờ nhất năm, bởi hoạt động xây dựng diễn ra sôi nổi. Nhiều công trình bắt đầu thi công móng. Thị trường thép sẽ tiêu thụ mạnh vào những tháng cuối năm khi hoạt động xây dựng, bất động sản, các dự án xây dựng đầu tư công tăng tốc giải ngân.

VSA cho rằng, nhu cầu có thể tăng nhưng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho của các DN vẫn ở mức cao, cần thời gian để xử lý. Với các DN sản xuất thép, trước nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, đã nhanh chóng xả hàng tồn kho xuống còn 85.000 tỷ đồng để giảm đi áp lực kinh doanh trong giai đoạn quý cuối năm.

Giá thép trong nước đi ngang trong một tháng qua

Ghi nhận trong 1 tháng qua, từ 12/10 đến 11/11, giá thép trong nước không có biến động lớn (sau 15 lần giảm giá liên tiếp từ đầu năm đến nay).

Tại miền Bắc, giá thép cuộn CB240 của Hòa Phát ở mức 14.500 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.600 đồng/kg. Thương hiệu thép Việt Ý, hiện thép cuộn CB240 ở mức 14.510 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.720 đồng/kg. Thép Việt Sing, hiện thép cuộn CB240 ở mức 14.310 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.510 đồng/kg.

Tại miền Trung, thép Việt Đức, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.620 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.020 đồng/kg. Thép Việt Mỹ (VAS), với thép cuộn CB240 ở mức 14.260 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.360 đồng/kg.

Tại miền Nam, thép Việt Mỹ (VAS), dòng thép cuộn CB240 giảm 100 đồng xuống mức 14.310 đồng/kg; còn với thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.410 đồng/kg - giảm 310 đồng.

Cùng với Hòa Phát, nhiều "ông lớn" ngành thép cũng đẩy mạnh xả tồn kho như: Hoa Sen Group, VNSteel, Pomina, SMC.

Đồng thuận với nhận định của VSA, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường thép cuối năm có thể giảm áp lực về tồn kho, cũng như gỡ lại lợi nhuận khi hoạt động giải ngân vốn đầu tư công tăng lên, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng được triển khai mạnh mẽ vào cuối năm. Từ các dự án trọng điểm như xây dựng đường vành đai 4 tại Hà Nội, dự án xây dựng đường cao tốc, hầm chui cũng như dự án tại các địa phương sẽ hỗ trợ kích cầu thị trường thép.

Để giúp thị trường thép phục hồi, bên cạnh việc Chính phủ tăng tốc giải ngân đầu tư công cũng như triển khai các biện pháp bình ổn giá vật liệu, hàng hóa dịp cuối năm, cần có chính sách hỗ trợ để trợ lực cho doanh nghiệp thép nội địa giữ vững thị phần và có động lực để phát triển.

Nguồn tin: Tài chính

ĐỌC THÊM