Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá nguyên liệu đồng loạt tăng: Doanh nghiệp lao đao

Thời gian gần đây, giá thành nhiều vật tư nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất liên tục tăng cao, có loại vượt trên 50% khiến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở TPHCM gặp rất nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp gồng mình sản xuất vì giá nguyên liệu tăng.

Giá tăng, cầu giảm

Bất chấp thị trường bất động sản đóng băng, vào đầu tháng 3, giá thép đã đồng loạt tăng giá 160.000 - 200.000 đồng/tấn. Cụ thể, giá thép giao tại nhà máy của Công ty cổ phần Thép Việt (Pomina) đã tăng 200.000 đồng/tấn, giữ mức bình quân 14,5 triệu đồng/tấn (chưa VAT). Theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Pomina, việc điều chỉnh giá thép do giá nguyên liệu đầu vào đang tăng vọt, đặc biệt là nguyên liệu thép phế liệu nhập khẩu dùng để sản xuất phôi thép.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho biết, nguyên nhân dẫn đến giá thép tăng đột biến trong khi nhu cầu đang trầm lắng là do giá quặng sắt biến động khá mạnh trong tháng qua với mức cao nhất 15 tháng qua là 158,5 USD/tấn vào cuối tuần giao dịch đầu tiên của năm mới (ngày 8-1). Bên cạnh đó, hoạt động tái gây dựng dự trữ tại các nhà máy thép Trung Quốc, khách mua quặng sắt lớn nhất đúng vào thời điểm nguồn cung tương đối thắt chặt, là lý do chính đẩy giá tăng cao.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, cho biết giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như quặng sắt, thép phế liệu, phôi thép hiện tăng khá cao, chủ yếu do thị trường Trung Quốc hút hàng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất thép trong nước. Hiện giá phôi thép nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nga, Malaysia, Nhật đều tăng 20 - 30 USD/tấn so với tháng trước, giữ mức trung bình 600 - 620 USD/tấn. Trong khi đó, VSA cũng ghi nhận lượng thép tiêu thụ trong tháng 2-2013 chỉ đạt khoảng 250.000 tấn, giảm 38% so với tháng trước.

Tương tự, Hiệp hội Bao bì Việt Nam cho biết, hiện giá nguyên liệu tăng cao, doanh nghiệp không có để sản xuất, trong khi nguồn cung nguyên liệu trong nước gần như đã cạn kiệt. Một cán bộ hiệp hội này cho biết, giá nguyên liệu đã tăng 40% - 50%. Do giá nguyên liệu tăng cao, hiện các nhà sản xuất phải bù lỗ khoảng 1,1 triệu đồng/tấn giấy so với khi nhập cách đây 3 tháng. Một doanh nghiệp trung bình nhập 200 - 300 tấn giấy/tháng, tính ra họ phải bù khoảng 300 triệu đồng. Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất bao bì, hàng năm tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động và có doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng/tháng.

Theo tính toán của hiệp hội, giải pháp trước mắt để giải quyết bài toán này là tăng tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Nếu Chính phủ cho phép giảm thuế nhập khẩu dưới 25% thì hiệp hội có thể tăng lượng nhập khẩu từ 10% lên 40% - 50% hoặc cao hơn nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt hiện nay. Bởi nếu đầu tư dây chuyền sản xuất nguyên liệu từ trong nước với mức vốn vài chục triệu USD thì tiềm lực các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hiện không có. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bao bì cho biết, trong tình hình khó khăn hiện nay, đơn hàng sụt giảm mạnh, trong khi giá nguyên vật liệu lại “nhảy múa” và khan hiếm do nhiều đơn vị sản xuất nguyên liệu ngừng do thiếu vốn càng khiến tình hình thêm khó khăn.

“Gồng mình” hoạt động

Dù đứng trước nhiều khó khăn nhưng hiện các doanh nghiệp vẫn buộc phải hoạt động vì giữ quan hệ với khách hàng cũng như duy trì sản xuất. Bà Phạm Thị Thùy Nga, Giám đốc DNTN Hải Sơn, chuyên sản xuất bao bì PP-BOPP huyện Bình Chánh, cho biết trước tình hình giá nguyên liệu tăng cao đơn vị đã phải gửi công văn đến khách hàng mong thông cảm, đồng thời xin phép điều chỉnh tăng giá. “Để tránh gây sốc cho khánh hàng chúng tôi chỉ điều chỉnh giá ở mức vừa phải, chỉ khoảng 1/4 so với giá nguyên liệu tăng. Điều này đồng nghĩa với công ty phải chấp nhận điều chỉnh sản xuất, siết lại toàn bộ chi phí sản xuất để giảm lỗ” - bà Nga nói.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, không chỉ khó khăn do chi phí đầu vào của nguyên vật liệu tăng, mà các chi phí khác như điện nước, vận chuyển, lương công nhân đều tăng đang khiến tình hình sản xuất kinh doanh hết sức căng thẳng. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu giảm, còn giá sản phẩm mới lại chưa được xác lập trên thị trường. Do vậy, giải pháp căn cơ hiện nay là các doanh nghiệp chỉ dám đưa ra kế hoạch kinh doanh ở mức bằng với năm trước, thậm chí không dám đưa ra chỉ tiêu về lợi nhuận. Đó là chưa biết phản ứng của phía đối tác, nếu họ không chấp nhận đồng nghĩa với sức tiêu thụ sụt giảm thì doanh nghiệp cũng phải gánh chịu.

“Hiện chúng tôi đang phải đưa ra đối sách thu hẹp sản xuất, không tuyển thêm nhân viên, giảm sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 2 ca/ngày... để ứng phó với khó khăn hiện tại. Cái khó nữa là hiện đa số các doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu đã lên kế hoạch cắt giảm sản xuất. Điều này đã làm cho một số doanh nghiệp sản xuất khó tìm kiếm doanh nghiệp cung ứng vật tư ổn định lâu dài và đảm bảo giá đầu vào hợp lý” - ông Đặng Văn Bình, Giám đốc Cơ khí Bình Minh, quận Bình Tân, giải thích.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, để ứng phó với khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiện nay, giải pháp chủ yếu là phải tổ chức đội ngũ sản xuất tốt với năng suất lao động cao, gia tăng giá trị thặng dư trong sản phẩm. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, nhiều chủ doanh nghiệp thừa nhận, nếu đơn vị nào không đủ sức chống chọi thì sẽ khó thoát khỏi việc thu hẹp sản xuất, sa thải lao động. Song song với thu hẹp sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm nhân công, tăng lương cùng với tăng giờ để không tuyển dụng thêm lao động mặc dù nguồn cung vẫn thiếu.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã giảm bớt các vị trí trung gian, chỉ tuyển dụng những vị trí thật sự quan trọng hoặc yêu cầu một nhân viên kiêm nhiệm nhiều việc với mức lương cao hơn. Mặt khác, đưa ra tiêu chí tiết kiệm điện, nước; phải tiết kiệm trên 15%/một đầu sản phẩm; giảm tiêu hao nguyên vật liệu vật tư trên 20%...

Nguồn tin: Sài Gòn

ĐỌC THÊM