Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá nguyên liệu giảm: thuận lợi và khó khăn

Từ năm ngoái đến nay, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào như sắt, đồng, nhựa... giảm đã giúp doanh nghiệp dễ thở hơn. Tuy nhiên, mối lợi thu được nhiều hay ít còn tùy thuộc vào đặc thù của từng ngành hàng cũng như tình hình của mỗi doanh nghiệp.
 

Ngành nhựa hưởng lợi

Từ đầu năm nay, một số công ty chứng khoán đã dự báo ngành nhựa, đặc biệt là các công ty cung cấp sản phẩm nhựa xây dựng, như Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) và Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) sẽ có lợi nhuận cao nhờ giá nguyên liệu lao dốc và sự phục hồi nhẹ từ thị trường bất động sản. Dự báo này khá đúng tính tới thời điểm hiện nay.

Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BMP, giá nguyên liệu nhựa bắt đầu giảm từ cuối năm ngoái rồi giảm mạnh trong mấy tháng đầu năm nay và tăng nhẹ trở lại sau đó. Tại thời điểm hiện nay, giá nhựa nguyên liệu không giảm so với đầu năm nhưng vẫn thấp hơn 16-17% so với giá bình quân của cả năm ngoái.

Ông Ngân cho biết với sản phẩm ngành nhựa, chi phí nguyên liệu chiếm tỷ trọng khá cao trong giá thành (từ 60-70% - PV). Việc giá nguyên liệu giảm là cơ hội tốt để doanh nghiệp ngành nhựa tăng lợi nhuận. Lợi nhuận trước thuế của BMP năm ngoái đạt 481 tỉ đồng. Đây cũng là mức lợi nh

uận kế hoạch mà công ty đặt ra cho năm nay, tuy nhiên, chỉ trong sáu tháng đầu năm, công ty đã đạt hơn 72% kế hoạch và tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, BMP chưa có ý định giảm giá bán sản phẩm. Giải thích về việc này, ông Ngân cho biết việc giảm giá bán sản phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, giá nguyên liệu là yếu tố khó lường. Năm ngoái, BMP đặt kế hoạch lợi nhuận ở mức hợp lý nhưng vì giá nguyên liệu tăng bất thường đã khiến lợi nhuận thực tế giảm so với kế hoạch. Năm nay, doanh nghiệp đã dè dặt đặt kế hoạch lợi nhuận chỉ bằng mức năm ngoái.

Cũng theo ông Ngân, giá nguyên liệu là yếu tố nằm ngoài tầm xử lý của doanh nghiệp và ông chưa thấy có lý do xác đáng để điều chỉnh giá bán. Ông nói: “Bất kỳ lần thực hiện tăng hay giảm giá bán nào, doanh nghiệp đều phải xử lý rất nhiều yếu tố, nên trừ khi giá bán vượt qua biên độ nào đó mà doanh nghiệp cảm thấy bị đe dọa về hiệu quả hoặc ảnh hưởng đến sự chấp nhận của thị trường thì doanh nghiệp mới tăng hay giảm giá, còn hiện nay, giá bán vẫn nằm trong biên độ hợp lý nên chưa thể tăng hay giảm”. Ông Ngân cho biết lần cuối cùng BMP tăng giá bán sản phẩm là cách đây bốn năm và từ bấy đến nay gần như không điều chỉnh (dù có những lúc giá nguyên liệu tăng - PV). Những dự báo thường xuyên cũng cho thấy không có khả năng nguyên liệu nhựa sẽ giảm giá mạnh thêm nữa mà sẽ ổn định ở mức hiện nay và chỉ dao động với biên độ nhỏ.

Vị tổng giám đốc BMP cho biết thêm, năm nay là năm BMP đầu tư lớn nhất trong lịch sử mấy chục năm qua của công ty. Dự kiến trong quí 4-2015, công ty sẽ khánh thành nhà máy thứ tư ở Long An có vốn đầu tư khoảng 175 tỉ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư hơn 200 tỉ đồng để mua sắm máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất.

Đối với NTP, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty cho thấy lợi nhuận sau thuế sáu tháng đầu năm nay đạt trên 170 tỉ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán hàng tăng thêm hơn 100 tỉ đồng trong khi giá vốn hàng bán và cung cấp dịch vụ chỉ cao hơn năm ngoái khoảng 21 tỉ đồng.

Tổng lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông trong quí 1-2015 cũng đạt trên 13,5 tỉ đồng, tăng 192,75% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do tăng trưởng về doanh thu và tận dụng được giá nguyên liệu đầu vào giảm cùng với sự kiểm soát chi phí sản xuất tốt.

Doanh nghiệp thép: lợi nhuận chưa chắc tăng cao

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá quặng sắt giao dịch trên thị trường thế giới chốt thời điểm tháng 5-2015 có mức giảm khá sâu. Giá quặng sắt 62% Fe được chốt ở mức 100 đô la Mỹ/tấn trong tháng 4, tháng 5-2015, nhưng sang tháng 6, tháng 7 lại lao dốc xuống còn xấp xỉ 66 đô la Mỹ/tấn (giá giao tại cảng Trung Quốc) và đây là mức giá thấp nhất trong 20 tháng qua.

Giá của những loại nguyên liệu đầu vào khác như phôi thép, thép dẹt, thép cuộn cán nóng... từ đầu năm đến nay cũng giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2014. Thép cuộn cán nóng là loại nguyên liệu được nhập khá nhiều, có giá nhập khoảng 500 đô la Mỹ/tấn hồi đầu năm 2015, nhưng đến thời điểm hiện nay giảm xuống còn 340 đô la Mỹ/tấn.

Theo một số nhà sản xuất thép trong nước, có loại nguyên liệu giá giảm sâu tới mức chưa từng có từ trước đến nay. Việc này giúp doanh nghiệp tương đối dễ thở, tuy nhiên, lợi nhuận chưa chắc tăng cao.

Trao đổi với TBKTSG hồi cuối tuần qua, đại diện một công ty sản xuất thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu thừa nhận giá bán thép thành phẩm tại thị trường trong nước phải giảm theo sự giảm giá của nguyên liệu đầu vào.

Nhưng vị này cho biết: “Chỉ có nguyên liệu thép giảm giá, các chi phí đầu vào khác không giảm, có thứ còn tăng, như điện, cước vận tải..., do đó, các nhà sản xuất trong nước không được hưởng lợi nhiều”.

Trước xu hướng giá nguyên liệu giảm kéo theo giá thép thành phẩm giảm, các đại lý, nhà thương mại có tâm lý muốn giải phóng hàng tồn kho mà không muốn mua thêm hàng vào vì lo ngại giá sẽ còn tiếp tục giảm thêm.

Có thể thấy trong tình hình hiện nay, chỉ có các chủ đầu tư công trình xây dựng là hưởng lợi nhiều hơn cả.

Theo ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc tập đoàn Hòa Phát, từ giữa năm 2014 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào và giá thép thành phẩm trên thị trường chỉ có một chiều đi xuống. So với năm ngoái, nguyên liệu giảm giá sâu nhất là quặng, giảm đến 50%, nhưng do cân đối nhiều chi phí khác nên các nhà sản xuất trong nước chỉ có thể giảm giá bán thép thành phẩm cho người tiêu dùng trong nước từ 10-20%. Ông Dương cho biết dù giá quặng đã giảm phân nửa nhưng ông không lấy làm vui, vì giá quặng giảm làm giảm hiệu quả xuất khẩu các mỏ quặng do Hòa Phát đang sở hữu.

 

Theo bà Võ Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Thép Việt Pháp (Quảng Nam), giá nguyên liệu quan trọng nhất cho sản xuất thép xây dựng hiện chỉ vào khoảng 230 đô la Mỹ/tấn, tức đã giảm khoảng 30 đô la Mỹ/tấn so với hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, bà vẫn đang đau đầu với bài toán giải phóng hàng tồn kho và chưa dám tận dụng giá nguyên liệu đầu vào giảm để đẩy mạnh sản xuất hàng mới nhằm tăng lợi nhuận.

Bà Hạnh còn cho biết một khó khăn mới khiến công ty bà phải chật vật từ mấy tuần nay: “Trong bối cảnh giá nguyên liệu giảm, từ giữa tháng 6-2015 đến nay, tình hình thị trường càng trở nên lộn xộn bởi lượng phôi thép giá rẻ từ Trung Quốc nhập về quá nhiều. Nhiều nhà sản xuất sử dụng phôi giá rẻ của Trung Quốc cán ra thép thành phẩm bán với giá thấp khiến các nhà sản xuất sử dụng nguồn phôi trong nước phải toát mồ hôi tìm đầu ra”. Theo bà Hạnh, công ty bà mua phôi thép trong nước với giá 7.700 - 7.800 đồng/ki lô gam, trong khi phôi thép Trung Quốc có giá chỉ 7.000 đồng/ki lô gam. Điều này dẫn đến sự chênh lệch giá thép thành phẩm khiến những công ty như Thép Việt Pháp không cạnh tranh nổi.

Nguồn tin: Vinanet

ĐỌC THÊM