Việc điều chỉnh gần như đồng thời giá xăng dầu và điện vừa qua không chỉ tác động “vòng 1” làm lạm phát, khiến chỉ số giá cả CPI cả năm có thể tăng thêm 2%, mà còn tạo ra các tác động “vòng 2, vòng 3” khó lường lên nền kinh tế.
Muôn mặt hệ lụy của bao cấp giá
Thiếu điện, thiếu xăng, dầu cung cấp cho nhu cầu của nền kinh tế và sinh hoạt của xã hội. Hàng nghìn ha cà phê, hồ tiêu và các cây công nghiệp khác ở Tây Nguyên có nguy cơ mất mùa, thậm chí chết khô chết héo trong mùa khô bởi nông dân không thể chạy máy bơm nước tưới. Nhiều em nhỏ sống giữa thành phố nhưng phải thắp đèn dầu để học trong đêm. Doanh nghiệp phải ngừng sản xuất còn thu nhập người lao động bị giảm sút…Đây là vô vàn hệ lụy mà Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt không chỉ trong năm 2011 này mà còn dự báo trong 4 năm tới đây. Điều đáng quan tâm, hệ lụy này lại bắt nguồn từ chính sách bao cấp giá năng lượng đã tồn tại nhiều năm.
Tính toán của các chuyên gia kinh tế dựa trên hệ số co giãn của GDP theo giá dầu và cung dầu cho thấy: Với GDP năm 2008 của Việt Nam là 76 tỷ USD, thiệt hại kinh tế là 25,5 triệu USD/ngày nếu ngừng cung cấp xăng dầu. Còn với GDP dự báo của năm 2015 là 181 tỷ USD, con số này sẽ lên tới 69,5 triệu USD/ngày.
Chủ tịch Hiệp hội xây dựng năng lượng, ông Trần Viết Ngãi khẳng định: Với một nước đang phát triển như Việt Nam, khi ngành công nghiệp chiếm khoảng 49% tổng GDP cả nước, chỉ cần mất điện một giờ, mức thiệt hại cũng có thể vượt quá con số 1.000 tỉ đồng. Do điện là yếu tố then chốt của sản xuất, nhiều nước trên thế giới không còn tính toán thiệt hại do mất điện theo đơn vị giờ mà là đơn vị phút.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Phạm Chí Cường : Thiếu điện cho sản xuất còn đáng sợ hơn rất nhiều so với tăng giá điện có lộ trình. Cũng ông Cường, chính sách giá điện chưa được tính đúng, tính đủ như hiện nay là nguyên nhân chủ yếu khiến 50% doanh nghiệp ngành thép vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.
Thực tế cũng cho thấy: Với giá xăng dầu vẫn được bao cấp, giá điện chưa bằng “một cốc nước chè” như hiện nay, việc sử dụng điện còn lãng phí từ 15-20%, tương đương 1.500-2.800 MW. Vì vậy, hệ số đàn hồi tăng trưởng điện/GDP (ICOR) của Việt Nam hiện bằng 2, cao gấp 2-2,5 lần so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Đây cũng chính là nguyên nhân gây vỡ quy hoạch ngành thép, xi măng, nạn tắc đường do mật độ ô tô, xe máy quá lớn như trong thời gian qua.
“Đến giờ phút này không thể lùi được nữa”
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã phải thốt lên với báo giới như vậy khi Chính phủ có quyết định “đau đớn” điều chỉnh gần như cùng lúc giá xăng dầu và điện cho dù khả năng lạm phát cao luôn rình rập.
Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, chính sách kìm nén xăng dầu để giảm lạm phát thời gian qua đã “đẩy” ngành xăng dầu đến chỗ rất khó khăn với giá bán thấp hơn nhiều so với Lào, Campuchia, Trung Quốc. Nếu điều chỉnh đủ, giá xăng phải tăng 6.400 đồng/lít. Tuy nhiên để tránh cơn sốc giá cho nền kinh tế và xã hội, giá xăng dầu chỉ được điều chỉnh theo nguyên tắc Nhà nước lùi thuế từ 20% xuống 0%; ngành xăng dầu chưa tính lãi; khoanh vùng toàn bộ lỗ cũ. Tuy nhiên, sau điều chỉnh, giá xăng trong nước vẫn thấp hơn giá xăng của Lào khoảng 5.100 đồng/lít và của Campuchia khoảng 4.200 đồng/lít, của Trung Quốc khoảng 3.200 đồng/lít và tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới vẫn chưa hết các diễn biến phức tạp.
Tương tự như vậy, Việt Nam đã kiềm chế giá điện quá lâu và theo tính toán đáng ra phải điều chỉnh tới 62%, tương ứng với tăng hơn 670 đồng một kWh. Với quyết định tăng giá 165 đồng/kWh, Nhà nước đã lùi khấu hao tới 90%, tức là cơ cấu vào giá chỉ có 10%. Đồng thời dừng một số khoản thu như phí môi trường cũng như các khoản nợ cũ vẫn chưa tính vào mức tăng giá này, chưa tính giá than bán cho điện… Tính đến 31/12/2010, ngành điện lỗ 28.000 tỷ đồng, tính đến hết năm 2011, con số này có thể lên tới 57.000 tỷ đồng. Do đó, ngay cả khi tăng giá thì ngành điện vẫn chưa hòa vốn.
Thừa nhận về hệ lụy của chính sách bao cấp giá nhiên liệu thời gian qua, ông Ninh cho biết: Trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới còn tăng, nền kinh tế sẽ méo mó nếu Việt Nam kìm giá và nguồn lực của Nhà nước cũng không thể bù lỗ được mức cao như thế nữa.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: Vấn đề quan trọng với Việt Nam hiện nay là phải tạo lập thị trường nhiên liệu hoạt động theo đúng quy luật cung cầu giá cả cùng với lộ trình đưa giá nhiên liệu theo thị trường.
Đồng quan điểm này, Vụ trưởng Vụ Năng lượng Bộ Công Thương Tạ Văn Hường cho biết: Theo lộ trình gồm bốn giai đoạn mà Nhà nước đặt ra cho thị trường điện thì việc bán lẻ điện cạnh tranh sẽ bắt đầu từ năm 2020 trở đi sau khi thị trường phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh hoàn tất. Do vậy, trước mắt, Nhà nước phải thiết lập được một thị trường điện có hệ thống vận hành ổn định và an toàn, làm cơ sở giá trị nhất thuyết phục người tiêu dùng cho mỗi lần tăng giá.
Lạc quan về chính sách giá nhiên liệu theo thị trường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Phạm Mạnh Thắng dự báo: Quyết tâm điều chỉnh giá điện theo thị trường sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư mạnh và nhanh vào ngành điện trong thời gian tới nhằm “lấp lỗ hổng” thiếu điện bởi hàng chục năm qua, chẳng có doanh nghiệp nước ngoài nào đầu tư vào lĩnh vực có giá bao cấp này.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường cũng cho rằng: bên cạnh lợi ích mang lại là sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, giá nhiên liệu được tính đúng sẽ giúp nền kinh tế hoạt động lành mạnh hơn, bền vững hơn nhờ công khai lỗ lãi thực; từ đó buộc doanh nghiệp phải tự nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập. Còn người tiêu dùng sẽ quyết định nhu cầu tiêu dùng của mình với cơ chế giá sòng phẳng, có giảm, có tăng. Điều đó đồng nghĩa với việc cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều phải chấp nhận cuộc chơi theo đúng quy luật thị trường. Việc can thiệp từ Nhà nước sẽ chỉ áp dụng trong một số trường hợp cụ thể, cấp bách.
Nguồn: Saga