Giá nhôm thế giới vừa lập kỷ lục cao nhất trong vòng hơn nửa thập kỷ sau khi hãng sản xuất khổng lồ Chinalco của Trung Quốc thông báo cắt giảm sản lượng sớm hơn 2 tháng so với dự kiến đồng thời sẽ sớm giảm lượng dự trữ kim loại này.
Trên sàn giao dịch London (LME), giá nhôm hợp đồng tham chiếu tăng 3% lúc kết thúc phiên giao dịch 20/9, lên mức 2.188,50 USD/tấn, trong phiên có lúc ở mức 2.191,50 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 9/2012. Kim loại này đã tăng giá 3 phiên liên tiếp.
Trên sàn Thượng Hải, giá thậm chí còn lên mức cao nhất 6 năm, với hợp đồng giao dịch nhiều nhất kết thúc phiên tăng 3,36% - mạnh nhất kể từ ngày 9/8 – lên 17.055 NDT (2.594,86 USD)/tấn, cao nhất kể từ tháng 10/2011.
Như vậy giá kim loại trắng này đã tăng 28% từ đầu năm tới nay do lo ngại chiến dịch chống khói bụi của Trung Quốc sẽ buộc đóng cửa những cơ sở sản xuất bất hợp pháp sẽ làm giảm cung và khiến thị trường trở nên thiếu hụt.
Mùa đông đang tới gần, và đó là thời điểm Trung Quốc buộc nhiều cơ sở sản xuất phải cắt giảm sản lượng để giảm khói bụi.
Có 2 công ty nhôm ở Hà Nam đã bắt đầu giảm sản xuất – sớm hơn 2 tháng so với yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc.
Chinalco – công ty nhôm quốc doanh lớn nhất Trung Quốc – và Jiaozuo Wanfang sắp bắt đầu giảm 30% sản lượng và sẽ duy trì công suất sản xuất đó cho tới 15/3/2018.
Dự trữ nhôm tại các kho của LME đã giảm xuống mức thấp chưa từng có kể từ 2008, là 1,3 triệu tấn, tức là giảm 2.725 tấn chỉ trong vòng 1 ngày.
Sản lượng nhôm thế giới trung bình ngày (không tính Trung Quốc) trong tháng 8 đã giảm xuống 69.800 tấn, so với 70.100 tấn của tháng 7, theo số liệu của Viện Nhôm Quốc tế (IAI) công bố ngày 20/9.
Sản lượng nhôm toàn cầu trong tháng 8 (trừ Trung Quốc) là 2,164 triệu tấn, giảm so với 2,173 triệu tấn của tháng 7.
Sản lượng trung bình ngày của Trung Quốc trong tháng 8 cũng giảm xuống 85.200 tấn, so với 86.600 tấn của tháng 7, đưa tổng sản lượng tháng 8 của nước này ở mức 2,64 triệu tấn, giảm 3,7% so với 2,686 triệu tấn cảu tháng trước đó. Tính chung 8 tháng đầu năm, Trung Quốc sản xuất 22,17 triệu tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
“Tăng trưởng nhu cầu tăng sẽ vượt mức tăng công suất sản xuất kể từ 2017, sẽ đẩy giá nhôm tăng theo”, các nhà phân tích thuộc Citi nhận định.
Các nhà phân tích thuộc JPMorgan cũng dự báo giá nhôm sẽ còn tăng thêm 100 USD/tấn nữa trong quý 4, khi “cuộc cải cách nguồn cung thực sự diễn ra, mặc dù dự trữ nhôm của Trung Quốc tăng gần gấp 4 lần từ đầu năm tới nay”. Tuy nhiên, họ cho rằng “Giá tăng như vậy có thể sẽ khích lệ các nhà luyện nhôm ở ngoài Trung Quốc gia tăng sản xuất, khi đó chỗ thiếu hụt sẽ được bù lấp”.
Sau khi thiếu 600.000 tấn năm 2016, thị trường nhôm thế giới sẽ thiếu 1,1 triệu tấn năm 2017
Tập đoàn nhôm khổng lồ của Nga – Rusal mới đây cho biết thị trường nhôm toàn cầu năm 2017 sẽ bị ảnh hưởng bởi nguồn cung thắt chặt tại Trung Quốc. Rusal dự báo cung nhôm toàn cầu năm 2017 sẽ tăng 5,3% lên 62,4 triệu tấn, trong đó cung từ Trung Quốc sẽ tăng 8,3% lên 35 triệu tấn, còn cung ngoài Trung Quốc sẽ tăng 1,8% lên 27,4 triệu tấn.
Rusal nhận định thị trường nhôm Trung Quốc sẽ cân bằng hơn vào nửa cuối năm 2017, và sẽ trở nên thiếu hụt vào 2018.
Trong khi đó, Rusal dự báo tăng trưởng nhu cầu nhôm thế giới năm nay sẽ ở mức 5% lên 62,7 triệu tấn, và cho biết thị trường sẽ thiếu cung gần 1,1 triệu tấn trong năm 2017 sau khi thiếu 700.000 tấn năm 2016. Nhu cầu của Trung Quốc năm 2017 dự báo sẽ ở mức 33,5 triệut tấn, tăng 6,7% so với năm trước, trong khi của các nước khác chỉ tăng 3,3% lên 29,2 triệu tấn, chủ yếu do tăng trưởng ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA), Bắc Mỹ và châu Á.
Năm 2016, nhu cầu nhôm thế giới tăng 5,5% so với năm trước đó, đạt 59,7 triệu tấn, trong đó nhu cầu tại Trung Quốc đạt 31,4 triệu tấn (tăng 7,6%), chiếm gần 53% nhu cầu toàn cầu, nhu cầu của các nước còn lại tăng 3,4% lên 28,3 triệu tấn.
Trong khi đó cung nhôm toàn cầu năm 2016 chỉ tăng 3,6% lên 59 triệu tấn. Số liệu của IAI cho thấy sản xuất nhôm nguyên khai của thế giới (không tính Trung Quốc) năm vừa qua tăng 2,2% lên 26,7 triệu tấn, chủ yếu nhờ tăng trưởng ở châu Á, Malaysia và châu Âu. Còn tại Trung Quốc, một số công suất sản xuất mới đã giúp nâng sản lượng thêm 5,5% lên 32,3 triệu tấn.
Nguồn tin: Vinanet