Đóng cửa ngày giao dịch 12/11, giá quặng sắt giảm 1.04% xuống chỉ còn 119.85 USD/tấn khi kết phiên, sau khi tăng liên tiếp sáu phiên bắt đầu từ tuần trước. Đà giảm điều chỉnh này của quặng sắt diễn ra trong bối cảnh tâm lý chốt lời của giới đầu tư chiếm ưu thế trên thị trường, tuy nhiên tâm lý “bullish” vẫn được duy trì nhờ nhu cầu sắt thép tăng vọt tại Trung Quốc.
Mức giảm của quặng sắt được các chuyên gia đánh giá chỉ diễn ra trong ngắn hạn, khi hàng loạt các số liệu đưa ra đều cho thấy các yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho giá quặng sắt. Hãng thông tấn chính phủ Tân Hoa Xã cho biết, tính đến ngày 9/11, tồn kho quặng sắt tại 33 cảng lớn tại Trung Quốc ở mức 109.84 triệu tấn, giảm 0.23 triệu tấn so với báo cáo tuần trước.
Cùng lúc, báo cáo tồn kho tháng 10 tại 184 nhà máy thép được Mysteel thực hiện cũng cho biết, tồn kho của năm sản phẩm thép chính tại Trung Quốc ở mức 5.2 triệu tấn. Đây là mức tồn kho thấp nhất được ghi nhận trong vòng 10 tuần, khi nhu cầu sắt thép tại Hoa lục vẫn duy trì ở mức khá cao.
Mặt khác, hoạt động nhập khẩu quặng sắt tại Trung Quốc cũng đang diễn ra khá ổn định. Australia là quốc gia chiếm thị phần xuất khẩu quặng sắt lớn nhất tại Hoa lục, với hơn 60% lượng quặng sắt nhập khẩu tại Trung Quốc đến từ Australia. Số liệu từ Cơ quan quản lý cảng Pilbara (PPA) cho thấy, xuất khẩu quặng sắt từ Port Hedland, một trong những cảng biển xuất khẩu quặng sắt sở hữu quy mô lớn nhất Australia, thay đổi không đáng kể so với tháng trước. Cụ thể, xuất khẩu quặng sắt từ cảng Port Hedland đến Trung Quốc trong tháng 10 đạt 39.7 triệu tấn, chỉ giảm nhẹ 0.1% so với tháng 9, và cao hơn tới 10.5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, những quy định hạn chế về quyền sở hữu bất động sản của chính phủ Trung Quốc đang làm giảm hứng thú của thị trường cho nhu cầu quặng sắt. Theo đó, Trung Quốc đang cân nhắc việc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với đòn bẩy trong giao dịch bất động sản, bằng cách giới hạn tỉ lệ giữa dòng tiền, tài sản và mức vốn. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xây dựng, vốn là lĩnh vực tiêu thụ sắt thép chính tại quốc gia Đông Á này.
Nguồn tin: PetroTimes