Hàng loạt các yếu tố cộng hưởng như sản lượng trong nước và nhập khẩu quặng tăng mạnh khiến Trung Quốc có thể lại phải đối mặt với tình trạng thừa quặng ngay cả khi nhu cầu thép đang tăng cao.
Giám đốc tài chính của Trung tâm mua bán Itochu Corp ông Tsuyoshi Hachimura cho biết công ty vẫn giữ nguyên quan điểm rằng giá của một số nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than đá sẽ giảm cuối năm nay mặc dù thời gian gần đây, giá mặt hàng này đang tăng.
Theo ông, giá nguyên liệu làm thép sẽ giảm do nguồn cung tăng đồng thời chính phủ Trung Quốc thắt chặt sản lượng thép trong nỗ lực bảo vệ môi trường, làm sạch không khí.
Giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc hôm thứ 2 tăng 4,62% lên mức 600,5 RMB/tấn (RMB: nhân dân tệ). Đầu phiên sáng nay, giá quặng sắt giao trong tháng 9 trên sàn Đại Liên có lúc đạt 619 RMB/tấn. Hiện tại giá quặng sắt kỳ hạn đang ở mức cao nhất kể từ 22/3, nối tiếp đợt tăng từ hồi 14/6 lên 46%.
Giá thép thanh SHFE (rebar) cùng tăng 5,43% lên bên trên ngưỡng 4.000 RMB/tấn kể từ tháng 2/2013 đạt 4.041 RMB/tấn (hơn 13,69 triệu đồng/tấn) tăng 4% so với cuối tuần trước đạt mức kỷ lục trong 4 năm.
Giá thép Trung Quốc tăng do trữ lượng thép đang ở mức thấp trong khi nhu cầu tăng mạnh. Điều này dẫn đến biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép tăng trong những tháng gần đây, kích thích họ đẩy mạnh sản lượng.
Trước đó, chính phủ Trung Quốc yêu cầu các nhà máy luyện thép và nhôm tại 4 tỉnh phía Bắc Trung Quốc là Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nam và 2 tỉnh Bắc Kinh và Thiên Tân thắt chặt sản lượng khai thác trong suốt tháng cao điểm của mùa đông khoảng cuối tháng 11 đến cuối tháng 2 khi nhu cầu sưởi ấm đỉnh điểm. Mức độ cắt giảm phụ thuộc vào lượng khí thải của từng khu vực.
Mặc dù giá quặng sắt tăng nhưng các thương gia tin rằng nguồn cung quặng sắt tại Trung Quốc vẫn đang ở mức cao và có thể gây áp lực lên giá trong thời gian tới.
Trữ lượng quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc đang ở mức 139,1 triệu tấn vào hôm thứ 6, gần chạm ngưỡng kỷ lục 141,45 hồi tháng 6, theo dữ liệu theo dõi từ SteelHome.
Một số chuyên gia dự báo nếu giá quặng sắt tăng hơn nữa các quốc gia này sẽ càng đẩy mạnh khai thác và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đợt tăng giá quặng tại Trung Quốc vừa qua đã thổi một làn gió mới đối với các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thô. Tuy nhiên, lần này Trung Quốc quay sang tăng cường nhập khẩu từ các thị trường mới như Ấn Độ (tăng 151,1%), Iran (tăng 56%) và Sierra Leone (tăng 115,2%). Trong khi đó, tại các thị trường truyền thống như Australia, Brazil, Nam Phi lại tăng không đáng kể lần lượt là 8,2%, 7,3% và 2%.
Các công ty khai thác quặng trong nước cũng lợi dụng đợt tăng giá đẩy mạnh năng suất. Sản lượng quặng trong tháng 6 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao nhất trong 20 tháng ở mức 124,7 triệu tấn.
Một vấn đề khác là nguồn cung từ các mỏ "siêu lớn" cũng có thể "cập bến" thị trường này trong vài tháng tới".
Mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới Vale (Brazil) đang tiến hành nâng công suất khai thác lên 90 triệu tấn/năm trong khi quốc gia xuất khẩu quặng sắt hàng đầu thế giới Australia cũng đang đầu tư trong "cuộc đua" đưa quặng sắt vào thị trường Trung Quốc.
Hàng loạt các yếu tố cộng hưởng như sản lượng trong nước và nhập khẩu quặng tăng mạnh khiến Trung Quốc có thể lại phải đối mặt với tình trạng thừa quặng ngay cả khi nhu cầu thép đang tăng cao.
Nguồn tin: NDH