Giá quặng sắt đã giảm mạnh 8,6% trong tuần vừa qua do thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng quặng sắt của Trung Quốc sẽ giảm xuống khi hoạt động sản xuất thép gặp nhiều khó khăn vì dịch virus Covid-19.
Số liệu mới nhất của hãng phân tích thị trường S&P Global Platts cho thấy mặc dù nguồn cung quặng sắt từ các quốc gia chính như Australia và Brazil sụt giảm vì thời tiết bất lợi, giá quặng sắt trên thị trường quốc tế đã giảm mạnh 8,6% trong tuần giao dịch trước (24 – 28/2) trong bối cảnh dịch virus Covid-19 lan rộng tại nhiều quốc gia.
Giá quặng sắt chịu áp lực giảm mạnh trong bối cảnh nhiều nhà máy sản xuất thép tại Trung Quốc phải giảm công suất sản xuất hoặc vẫn ngưng sản xuất vì dịch virus Covid-19, khiến nhu cầu sử dụng quặng sắt giảm thấp. Trung Quốc hiện là quốc gia sử dụng quặng sắt lớn nhất thế giới.
Diễn biến giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt giao ngay tại Trung Quốc (Nguồn: S&P Global Platts)
Dữ liệu của S&P Global Platts cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt giao ngay tại Trung Quốc trong ngày 28/2 đạt 83,90 USD/tấn (giá CFR), giảm 7,90 USD/tấn so với một tuần trước đó. Trong vài tuần sau thời điểm Tết Nguyên đán tại Trung Quốc, giá quặng sắt vẫn có xu hướng tăng lên bất chấp các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19 do nhiều nhà máy sản xuất thép tại Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động sản xuất và thị trường lo ngại sự sụt giảm nguồn cung từ Australia và Brazil.
Trong 8 tuần đầu tiên của năm 2020, xuất khẩu quặng sắt của Brazil đạt trung bình 5,22 triệu tấn/tuần, giảm mạnh so với mức 7,2 triệu tấn/tuần cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu quặng sắt của Australia đạt trung bình 15,76 triệu tấn/tuần, giảm so với mức 16,37 triệu tấn/tuần trong cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, nhiều nhà máy thép tại Trung Quốc có thể thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động trong thời gian tới khi biên lợi nhuận giảm thấp trong bối cảnh hàng tồn kho tăng cao, nhu cầu sử dụng các sản phẩm sắt thép tại nước này vẫn ở mức thấp.
Hãng S&P Global Platts cho biết khi biên lợi nhuận các sản phẩm thép giảm xuống, các nhà sản xuất thép quy mô nhỏ tại Trung Quốc tương đối linh hoạt trong việc lựa chọn nguyên vật liệu sản xuất đầu vào có chi phí thấp hơn hoặc tạm ngưng sản xuất để tránh thua lỗ. Trong khi đó, các nhà sản xuất thép quy mô lớn với mức tiêu thụ quặng sắt nhiều gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi nguyên liệu sản xuất hoặc ngưng sản xuất, do đó sẽ phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ cao. Những điều này đã khiến triển vọng nhu cầu sử dụng quặng sắt tại Trung Quốc suy yếu.
Thị trường hiện kỳ vọng các chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc bao gồm việc gia tăng xây dựng cơ sở hạ tầng có thể sẽ giúp giải toả lượng sản phẩm thép tồn kho và gia tăng nhu cầu sử dụng thép trong thời gian tới, qua đó giúp giá quặng sắt đi lên.
Nguồn tin: tapchicongthuong.vn