Qua nhiều tuần liên tục tăng giá, sau kỳ nghỉ lễ đến nay, giá quặng sắt nhập khẩu Trung Quốc không những không giảm mà còn tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, quặng 63.5% của Ấn Độ có giá 134 USD/tấn. Giá giao dịch trên thị trường tuần trước đã lên mức 125 USD/tấn. So với tháng 4 năm 2009, giá đã tăng gấp đôi.
Giá quặng giao ngay là căn cứ quan trọng để đàm phán với các đối tác nước ngoài. Trong hoàn cảnh giá liên tục tăng như hiện nay, việc đàm phán giá quặng giao trong quý 1 của Baosteel với Úc và Ấn Độ sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.
Theo thống kê, hiện nay, lượng quặng tồn kho tại các cảng lớn của Trung Quốc vào khoảng 65 triệu tấn. So với mức 70 triệu tấn vào cuối năm 2009, lượng tồn kho đã giảm nhẹ.
Giá quặng sắt tăng cao đột biến là do chính phủ Ấn Độ từ ngày 25 tháng 12 năm 2009 đã nâng thuế xuất khẩu khoáng sản. Trong đó, thuế của quặng bột tăng từ 0% lên 5%, quặng thanh tăng từ 5% lên 10%. Sau khi thuế tăng, giá giao dịch lập tức tăng mạnh. Mức giá 125 USD/tấn cho loại quặng 63.5% vào tuần trước đã lập mức cao nhất trong 14 tháng qua. Trong tháng 12 năm 2009, tổng cộng giá đã tăng trên 20 USD/tấn, biên độ tăng trên 20%. Mức tăng giá giao dịch đã cao hơn nhiều so với mức tăng thuế của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, tiến độ đàm phán của Trung Quốc với Úc và Brazil diễn ra khá chậm chạp cũng tạo cơ hội cho Ấn Độ tăng giá.
Theo kinh nghiệm, nếu trong quá trình đàm phán mà giá thị trường tăng cao thì 3 nước cung cấp quặng chính là Úc, Ấn và Brazil sẽ phối hợp để ép giá Trung Quốc. Trong tình hình các mỏ quặng sắt mới chưa thể đưa vào khai thác ngay lập tức, chính phủ lại có chính sách hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, dự báo giá quặng sẽ khó có khả năng giảm trở lại.
Do dự báo giá quặng sẽ tăng mạnh, Baosteel và nhiều nhà máy lớn khác cũng sẽ tiếp tục nâng giá thép xuất xưởng.
(Sacom)