Năm 2010, giá quặng sắt trên thị trường thế giới được dự báo sẽ tăng mạnh nhờ nhu cầu cao của ngành thép trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hồi phục và phát triển.
Sản lượng thép thế giới đang tăng trở lại nhờ kinh tế đi lên từ suy thoái. Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Thép thế giới, trong 11 tháng đầu năm 2009, sản lượng thép toàn cầu đạt 1,09 tỷ tấn, với riêng tháng 11 đạt 107,5 triệu tấn, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp sản lượng thép thế giới tăng. Trung Quốc vẫn là quốc gia sản xuất thép lớn nhất với sản lượng gần 522 triệu tấn, chiếm hơn 40% tổng sản lượng thép toàn cầu.
Năm tới, sản lượng thép tiếp tục gia tăng làm tăng nhu cầu nguyên liệu thô như quặng sắt và than cốc, thậm chí cung các mặt hàng này sẽ không đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt của Trung Quốc.
Theo chuyên gia phân tích Gavin Wood thuộc Nomura International, “nhu cầu nguyên liệu thô của Trung Quốc đang đẩy giá các mặt hàng này lên, và năm tới giá thép cũng sẽ tăng khi các nhà sản xuất nâng giá nguyên liệu thô lên”.
Hồi đầu tháng 12/09, một số ngân hàng lớn trên thế giới đã đưa ra dự báo cho giá quặng sắt trong năm tới, họ đều đã tính đến nhu cầu tăng cao tại quốc gia tiêu thụ nhiều mặt hàng này nhất.
Ngân hàng RBS cho rằng, giá quặng sắt năm 2010 sẽ tăng 10 – 20% so với năm nay do giá quặng giao ngay tăng và sản lượng thép thế giới được cải thiện. Trong khi đó Macquarie Bank thì cho rằng giá quặng của Australia sẽ tăng 30% trong năm 2010/11, cao hơn nhiều so với mức 10% mà ngân hàng này dự kiến trước đó. Giá quặng của Braxin cũng sẽ tăng 40% trong năm tới.
Ngân hàng Societe Generale thì dự báo giá quặng sắt sẽ tăng 20% trong năm 2010/11. Giá quặng giao của Ấn Độ ngay, theo ngân hàng này, hiện đang ở gần 100 USD/tấn, đạt trung bình 90 USD/tấn trong quý cuối cùng của năm nay.
Còn theo ngân hàng JP Morgan, giá quặng năm 2010 sẽ tăng 20% và 30% trong năm 2011. JP Morgan còn nhận định, nguồn cung quặng từ 3 mỏ lớn nhất thế giới bao gồm BHP Billiton, Rio Tinto và Vale sẽ bị giới hạn nhưng sẽ xuất hiện nguồn cung mới vào năm 2013 - 2014.
Các nhà sản xuất thép trên toàn cầu đang cho tái hoạt động các lò cao đã từng đóng cửa trong thời gian qua do nhu cầu sụt giảm trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Theo các nhà phân tích thuộc JP Morgan, sự hoạt động trở lai của các nhà sản xuất thép ngoài Trung Quốc đang khiến thị trường quặng sắt trở nên khan hiếm sớm hơn dự kiến.
Trong tuần cuối cùng của năm 2009, giá quặng sắt tại châu Á đã tăng 4% so với tuần trước đó. Mặc dù giá hiện đã giảm khỏi mức cao nhất trong vòng 3 tháng hồi tháng 11, song năm nay giá quặng vẫn cao hơn 30% so với giá thỏa thuận ban đầu.
Theo các chuyên gia trong ngành, năm 2010, Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong bức tranh thị trường thép và quặng sắt thế giới. Giám đốc điều hành của công ty Commercial Metals Co.'s (CMC's) - công ty có các lò cao ở Đông Âu và là công ty giao dịch thép và kim loại phế thải trên thế giới – cho rằng thép sẽ chiếm 9 - 10% trong tổng GDP của Trung Quốc năm tới. Còn giám đốc điều hành của tập đoàn quặng sắt lớn thứ 3 thế giới, CVRD, ông Roger Agnelli, thì khẳng định nhập khẩu quặng của Trung Quốc vẫn chiếm 50% tổng sản lượng thế giới.
Ông Murray R. McClean, chủ tịch, tổng giám đốc kiêm giám đốc điều hành của Irving – một thành viên của CMC có trụ sở tại Texas, Mỹ, nhận xét nhu cầu của Trung Quốc sẽ gây sức ép lên cả giá quặng sắt lẫn kim loại phế thải. Các nước châu Á còn lại cũng sẽ theo sau Trung Quốc với nhu cầu mạnh về kim loại phế thải và phôi thép, đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu tìm đến các thị trường này. Trong quý cuối của năm 2009, giá thép tại Trung Quốc và các nước châu Á khác đều tăng mạnh trở lại. McClean dự đoán, giá quặng sắt sẽ tăng 20% trong năm tới.
Giám đốc điều hành của CVRD trong khi đó cho rằng giá quặng năm tới cũng sẽ tăng trên 10% do nhu cầu cao của Trung Quốc. Ngoài ra, việc đồng USD mất giá so với các đồng tiền khác cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến giá bởi Mỹ kim suy yếu khiến cho chi phí sản xuất tăng và giá các hàng hóa nói chung tăng.
(Stockbiz)