Giá sắt thép nhập khẩu bình quân (chưa thuế) cán mốc 1.049 USD/tấn, mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 2, cả nước chi hơn 2 tỷ USD, nhập khẩu 1,95 triệu tấn sắt thép các loại. So với cùng kỳ 2021, lượng nhập khẩu giảm 14,7% nhưng kim ngạch tăng tới 28,6%.
Lượng giảm, kim ngạch tăng cho thấy giá bình quân nhập khẩu sắt thép tiếp tục tăng cao những tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, giá thép nhập khẩu bình quân (chưa thuế) cán mốc 1.049 USD/tấn, mức giá cao nhất trong nhiều năm gần đây, tăng mạnh 50,6% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường nhập khẩu sắt thép lớn của Việt Nam có thể kể đến như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga...
Cụ thể, 2 tháng đầu năm Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam với lượng đạt hơn 638 nghìn tấn, kim ngạch 650 triệu USD, giảm hơn 41% về lượng nhưng kim ngạch chỉ giảm 11%. Điều này cho thấy giá nhập khẩu bình quân từ thị trường này vẫn tăng cao.
Trong khi đó, 2 thị trường lớn tiếp theo ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cùng nhịp điệu lượng giảm, kim ngạch tăng. Trong đó, Nhật Bản đạt hơn 280 nghìn tấn, kim ngạch 284,6 triệu USD, giảm 8,75% về lượng, tăng 36,7% về kim ngạch; Hàn Quốc đạt gần 227 nghìn tấn, kim ngạch 267 triệu USD, giảm 13,33% về lượng, nhưng tăng 18,4% về kim ngạch.
Đáng chú ý, trong các thị trường lớn kể trên, lượng sắt thép nhập khẩu từ Nga tăng trưởng dương và vượt Hàn Quốc trở thành nhà cung cấp lớn thứ 3 của Việt Nam.
Hai tháng đầu năm, nhập khẩu mặt hàng này từ Nga đạt gần 253 nghìn tấn, kim ngạch 211,5 triệu USD, tăng 25,44% về lượng và tăng 104% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng 4 thị trường lớn kể trên đạt gần 1,4 triệu tấn, chiếm 71,8% tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước trong hai tháng đầu năm.
Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu sắt thép đạt 12,31 triệu tấn, kim ngạch 11,52 tỷ USD, giảm 7% về lượng, nhưng tăng 42,8% về kim ngạch so với 2020. Giá trung bình nhập khẩu đạt 935,8 USD/tấn, tăng tới 53,8% so với năm 2020.
Nguồn tin: Vinanet