Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 6,1% xuống 994,5 CNY/tấn, trong phiên có lúc xuống 992 CNY, thấp nhất kể từ ngày 12/4; quặng sắt trên sàn Singapore cũng giảm 5,7% xuống 166,75 USD/tấn.
Giá sắt thép trên thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm sâu do Sở giao dịch Hàng hóa Thượng Hải thông báo sẽ xem xét "những giao dịch bất thường", làm gia tăng áp lực giảm giá sau khi Chính phủ Trung Quốc đã có hàng loạt động thái nhằm kiềm chế lạm phát.
Kết thúc phiên, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 6,1% xuống 994,5 CNY/tấn, trong phiên có lúc xuống 992 CNY, thấp nhất kể từ ngày 12/4; quặng sắt trên sàn Singapore cũng giảm 5,7% xuống 166,75 USD/tấn.
Trong khi đó, giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải giảm 6% xuống 4.667 CNY (729,79 USD)/tấn, sau khi có lúc trong ngày xuống chỉ 4.661 CNY, thấp nhất kể từ 24/3 (4 tuần); thép cuộn cán nóng giảm 5,4% xuống 5.017 CNY/tấn vào cuối phiên, sau khi có thời điểm xuống chỉ 5.011 CNY.
Chủ tịch Sở giao dịch Thượng Hải, Jiang Yan, phát biểu trên một diễn đàn rằng Sở sẽ "theo dõi chặt chẽ những thay đổi của thị trường, điều tra quyết liệt những giao dịch bất thường" trong bối cảnh giá hàng hóa ở Trung Quốc có những động thái lớn gần đây.
Trung Quốc đã thay đổi một số quy định về xuất khẩu thép thành phẩm nhằm bảo đảm nguồn cung thép trong nước
và giảm thuế nhập khẩu nhiều nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thép. Kể từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt trên thị trường quốc tế đã liên tục tăng cao trong bối cảnh nhu cầu sử dụng thép tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, tăng trở lại trong khi đó hoạt động cung ứng quặng sắt từ một số mỏ lớn của Brazil bị đứt gãy do thời tiết xấu và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu quặng sắt lớn thứ hai thế giới sau Australia.
Bên cạnh đó, sự gia tăng căng thẳng kinh tế - chính trị giữa Trung Quốc và Australia với việc Trung Quốc áp đặt hàng loạt mức thuế cao lên các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Australia như rượu vang, thịt bò, lúa mì…. nhưng lại bỏ qua mặt hàng quặng sắt đã khiến quặng sắt trở thành loại hàng hoá được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Việc Trung Quốc tuyên bố đình chỉ vô thời hạn vô thời hạn mọi hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc – Australia vào ngày 6/5 vừa qua đã khiến giá quặng sắt thế giới tăng liên tục trong 3 ngày, lên thêm 39 USD/tấn. Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới và Australia là đối tác cung ứng chính, chiếm đến 60% tổng lượng quặng sắt nhập khẩu của nước này.
Tuy nhiên, việc giá quặng sắt tăng mạnh trong những tuần trước làm dấy lên lo ngại thị trường đang chứng kiến làn sóng đầu cơ tăng cao và giới chức Trung Quốc sẽ nhanh chóng hành động để hạ nhiệt thị trường.
Để kiềm chế tình trạng đầu cơ, trong ngày 10/5, các sàn giao dịch hàng hoá lớn tại Trung Quốc như Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) và Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) đã nâng mức giới hạn giao dịch cũng như siết chặt các yêu cầu ký quỹ đối với các hợp đồng giao dịch quặng sắt tương lai cũng như khôi phục lại mức phí đối với hợp đồng giao dịch thép tương lai.
Đầu tháng này, Trung Quốc cũng thay đổi một số quy định về xuất khẩu thép thành phẩm nhằm bảo đảm nguồn cung thép trong nước và giảm thuế nhập khẩu nhiều nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thép.
Các hành động này đã nhanh chóng khiến giá quặng sắt tại thị trường Trung Quốc giảm xuống chỉ còn 187 USD/tấn. Tuy nhiên, các yếu tố thị trường đã đẩy giá quặng sắt bật tăng cao trở lại, lên đến 215 USD/tấn trong ngày 18/5 vừa qua.
Tình trạng này đã buộc các quan chức cấp cao Trung Quốc tái khẳng định sẽ siết chặt các biện pháp quản lý nguồn cung và nhu cầu sử dụng hàng hoá nhằm dẹp bỏ tình trạng giá nguyên liệu đầu vào leo thang đến mức “phi lý” và bảo vệ hoạt động của các doanh nghiệp nước này vào ngày 19/5. Hiệp hội sắt thép Trung Quốc cũng thúc giục chính phủ nước này phải nhanh chóng kiềm chế đà tăng phi mã của giá quặng sắt trong thời gian tới.
Nguồn tin: Vinanet