Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá sắt thép thế giới hôm nay 4/6: Giá than cốc cao nhất 3 tuần, thép và quặng sắt đều tăng

 Giá than cốc tại Trung Quốc ngày 4/6 tăng 6% lên mức cao nhất 3 tuần, được thúc đẩy bởi lo ngại nguồn cung và nhu cầu từ các nhà máy thép suy giảm.

Mặc dù Chính quyền thành phố Đường Sơn đã tổ chức Hội nghị chuyên đề, trong đó có nội dung cân nhắc cắt giảm sản lượng thép ở một số nhà máy trên địa bàn, bởi kết quả cắt giảm khí thải còn thấp xa so với k ỳ vọng nhằm mục đích hạn giá thành sản phẩm song trong những ngày gần đây giá quặng sắt và sắt thép trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trên sàn Đại Liên, giá than cốc kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 4,5% lên 2.695 CNY (421,65 USD)/tấn – cao nhất kể từ ngày 13/5/2021, trong đầu phiên giao dịch giá than cốc tăng 6% lên 2.733 CNY/tấn. Giá than luyện cốc tăng 0,8% lên 1.879 CNY/tấn. Giá quặng sắt tăng 1,9% lên 1.194 CNY/tấn và giá quặng sắt 62% Fe giao ngay không thay đổi ở mức 206,5 USD/tấn, công ty SteelHome cho biết.

Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 1,7% lên 5.148 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng tăng 2,1% lên 5.490 CNY/tấn, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 0,2% lên 16.090 CNY/tấn.

Sở dĩ giá quặng sắt tăng sau thông tin này là bởi thị trường phớt lờ việc công suất sản xuất thép giảm sẽ dẫn tới nhu cầu quặng sắt giảm, mà chỉ lo ngại việc cắt giảm công suất sẽ gây ra tình trạng thiếu thép do thành phố này chiếm hơn 13% tổng sản lượng thép thô của Trung Quốc, mặc dù kế hoạch cắt giảm sản lượng thép này vẫn đang trong quá trình thảo luận và chưa được chính thức thông qua.

Thị trường quặng sắt đã nóng lên từ nhiều tháng nay do nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc

Thị trường dự kiến sản lượng than cốc tại tỉnh Sơn Đông sẽ ở mức dưới 32 triệu tấn trong năm nay. Trong 4 tháng đầu năm 2021, tỉnh này đã sản xuất 11,14 triệu tấn than cốc.

Thị trường quặng sắt đã nóng lên từ nhiều tháng nay do nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc, nước sở hữu khoảng 70% tổng lượng quặng sắt nhập khẩu qua đường biển trên toàn cầu; trong bối cảnh nguồn cung quặng hạn chế, chủ yếu do thời tiết bất lợi ở xuất khẩu quặng hàng đầu thế giới là Australia, và sự gián đoạn sản xuất ở Brazil do Covid-19.

Sản lượng thép của Trung Quốc đạt kỷ lục cao 97,85 triệu tấn trong tháng 4, tăng 4,1% so với tháng 3 và cao hơn khoảng 15% so với 85,03 triệu tấn của tháng 4 năm 2020, đưa sản lượng thép trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, một con số trái ngược với cam kết chính thức mà nước này đưa ra là hạn chế sản lượng năm nay không nhiều hơn sản lượng được sản xuất vào năm 2020.

Sản lượng thép của Trung Quốc có thể sẽ giảm trong những tháng tới do tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy kém đi vì giá thép trong nước đã giảm nhanh hơn nhiều so với mức giảm giá quặng sắt, nhưng vẫn có rất ít bằng chứng về việc sản lượng sẽ giảm.

Về phía nguồn cung, có một số dấu hiệu cho thấy xuất khẩu quặng sắt trên toàn cầu đang tăng lên, có thể giúp giá hạ nhiệt thêm nữa.

Theo ước tính của Refinitiv, Australia đã xuất khẩu 75,78 triệu tấn quặng sắt trong tháng 5, tăng so với 71,28 triệu trong tháng 4 và gần bằng mức khoảng 75 đến 80 triệu tấn ở những tháng thời tiết bình thường.

Trong khi đó, Brazil ước tính đã xuất khẩu khoảng 29,1 triệu tấn trong tháng 5, tăng so với 25,76 triệu trong tháng 4 và là tháng xuất nhiều nhất kể từ tháng 12/2020.
Tuy nhiên, xuất khẩu tháng 5 của Brazil vẫn thấp hơn so với mức bình thường (từ tháng 8 đến tháng 12/2020, Brazil xuất khẩu trung bình 30 – 35 triệu tấn mỗi tháng).

Nhìn chung, những gì diễn biến giá cả trên thị trường quặng sắt gần đây cho thấy những nỗ lực kiềm chế giá sắt thép của Trung Quốc có thể sẽ chỉ thành công trong ngắn hạn, nếu chỉ bằng cách cố gắng giảm sản lượng thép, thay vì cố gắng để đẩy tăng nguồn cung.

Trong nước, sau giai đoạn giá thép được giữ ổn định thì một số doanh nghiệp bắt đầu nâng giá bán. Theo đó, giá sản phẩm tôn mạ kẽm của Thép Hòa Phát được điều chỉnh tăng thêm 300đ/kg từ ngày 1/6; Tôn Hoa Sen tăng giá mặt hàng tôn mạ (không bao gồm Tôn Hoa Sen gold); thép dày mạ; ống thép mạ kẽm thêm 300đ/kg trên phạm vi toàn quốc (chưa bao gồm 10% VAT); và thép Sendo cũng điều chỉnh tăng giá thêm 300đ/kg áp dụng từ ngày 1/6 (đã bao gồm VAT); Thép Nam Kim cũng thông báo điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng ống thép mạ kẽm, thép V mạ kẽm…

Nguồn tin: Vinanet

ĐỌC THÊM