Giá than đá nhiệt lượng cao trên thị trường quốc tế đang giảm về mức thấp nhất trong gần ba năm qua khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và các thay đổi hướng đến năng lượng sạch đang gây áp lực cho các kỳ vọng nhu cầu than.
Than đá được bốc dỡ ở một cảng ở TP. Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Tuần trước, giá than đá nhiệt lượng cao xuất khẩu từ cảng Newcastle (Úc) đã rơi về mức 70,78 đô la Mỹ/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 9-2016.
Xu hướng giảm giá của than đá có thể sẽ kéo dài lâu hơn khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng đang trì trệ ở Trung Quốc, nước tiêu thụ than đá lớn nhất thế giới.
Tại Trung Quốc, hoạt động của nhà máy suy yếu trong tháng 4 và tháng 5 do những tác động của cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Nhà phân tích Helen Lau ở công ty Argonaut cho rằng điều này chỉ phần nào khiến sản lượng nhiệt điện than ở Trung Quốc giảm 4,9% trong tháng 5-2019 so với cùng kỳ năm ngoái.
“Sức tiêu thụ than nhiệt lượng cao yếu ớt chủ yếu là do sự cạnh tranh gia tăng từ thủy điện và các năng lượng sạch khác”, nhà phân tích Helen Lau viết trong một báo cáo.
Theo Ngân hàng Thịnh vượng Úc (CBA), sản lượng điện gió của Trung Quốc tăng 5,6% trong 5 tháng đầu năm nay, trong khi đó, sản lượng thủy điện tăng đến 12,8%.
Nhà phân tích Vivek Dhar ở CBA nhận định, đà giảm giá kéo dài của than đá nhiệt lượng cao có thể báo hiệu rằng nền kinh tế đang trong tiến trình phi carbon hóa mạnh mẽ để chuyển từ năng lượng dựa vào carbon sang các năng lượng tái tạo.
Hiện nay, 40% sản lượng điện ở Đức được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo. Chính phủ Đức đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên mức 65% vào năm 2030. Trong năm nay, Anh đang hướng đến lần đầu tiên sử dụng điện từ các nguồn năng lượng phi carbon lớn hơn điện được sản xuất từ các nguồn năng lượng hóa thạch.
Hiện tại, giá than đá nhiệt lượng 6.000 kcal/kg tại cảng Newcastle của Úc đã giảm 58% kể từ tháng 9 năm ngoái, so với mức giảm 20% của giá than đá nhiệt lượng 5.500 kcal/kg, theo công ty cung cấp giá cả hàng hóa S&P Global Platts.
Hôm 10-6, giá than đá nhiệt lượng cao giao ngay tại cảng Tần Hoàng, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc cũng giảm xuống còn 95,53 đô la/tấn, ngấp nghé mức thấp nhất trong hai năm qua.
“Than nhiệt lượng cao đang chịu sức áp lực lớn vào thời điểm này dù nhu cầu đúng ra phải tăng lên trong mùa hè”, một nhà kinh doanh than ở cảng Kinh Đường, tỉnh Hà Bắc, nói. Kinh Đường là cảng nhập khẩu than lớn ở phía Bắc Trung Quốc. “Tôi không thể kiếm tiền với mức giá hiện tại nên tôi quyết định chuyển hướng kinh doanh và nhắm đến một số sản phẩm ngách chẳng hạn như than bột”, nhà kinh doanh này cho hay.
Trong khi đó, một nhà kinh doanh than đá ở Singapore cho rằng thủ phạm chính khiến than nhiệt lượng cao giảm giá là do khí tự nhiên giá rẻ được sử dụng rộng rãi ở châu Âu. Ông nói: “Khí đốt giá rẻ ở Mỹ được chuyển đến châu Âu, khiến than từ Nam Phi và Colombia chuyển hướng sang châu Á. Nga cũng đang tăng cường bán than đá ở vùng châu Á-Thái Bình Dương”.
Một diễn biến khác có thể gây áp lực giảm đối với than là Trung Quốc đang tìm cách giảm giá than nhiệt lượng cao trong nước để hỗ trợ các nhà máy nhiệt điện than.
Hồi cuối tháng 5-2019, Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) đề xuất các nhà sản xuất than ở nước này giảm giá bán than nhiệt lượng cao 5.500 kcal/kg về mức dưới 600 nhân dân tệ (87 đô la)/tấn. Đề xuất này được đưa ra khi sáu công ty điện lực kêu gọi chính phủ hỗ trợ giảm chi phi nguyên liệu thô để cắt giảm giá điện. Trung Quốc đang lên kế hoạch giảm 10% giá bán điện cho các khách hàng doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong năm nay.
Động thái của NDRC không phải là bất thường. Trung Quốc, nước tiêu thụ và sản xuất than lớn nhất thế giới, trước đây đã tìm cách cân bằng nhu cầu của các công ty điện lực với nhu cầu của các công ty than bằng cách giữ giá than trong khoảng 500-570 nhân dân tệ/tấn.
Những lần trước đây, NDRC kiểm soát giá than bằng cách tăng nguồn cung. Sau đợt nóng của mùa hè năm ngoái, làm tăng nhu cầu điện, NDRC đã đưa ra các biện pháp mới để giảm giá than bằng cách tăng sản lượng than cũng như tăng mức tiết kiệm nhiên liệu của các mạng lưới vận tải và đường sắt.
Hôm 25-6, NDRC đã yêu cầu các công ty quản lý các mỏ than ở các tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây và khu tự trị Nội Mông phải đẩy mạnh sản xuất than nhiệt lượng cao.
Nguồn tin: Thesaigontimes