Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá thép giảm, ngành thép gặp khó

  
Giá thép giảm, ngành thép gặp khó - Tính đến tháng 8, giá thép trong nước đã giảm 25% so với những tháng đầu năm 2008. Dự báo giá thép sẽ tiếp tục giảm trong các tháng tới dao động ở mức 14-15 triệu đồng/tấn.
Giá thép đến cuối năm sẽ tiếp tục hạ
Đó là dự báo dựa trên biến động giá phôi thép thế giới và giá thép trong nước của nhóm phân tích về ngành thép thuộc công ty chứng khoán Bản Việt.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư thương mại SMC có mặt trong hội thảo với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thép lại đưa ra một dự báo không mấy “lạc quan” cho ngành thép: “Giá thép trong nước từ nay đến cuối năm có khả năng xuống dưới 10 triệu đồng/tấn”.
Hiện nay, giá thép thế giới đang giảm mạnh sau khi đã tăng gấp đôi trong sáu tháng đầu năm 2008 nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc giá dầu giảm mạnh trong tháng 7 và tháng 8. Dự báo giá thép thế giới chưa thể có xu hướng tăng trở lại trong năm 2009 do triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu chậm lại.
Bên cạnh đó, mặc dù Trung Quốc hạn chế xuất khẩu và cơ cấu lại sản xuất thép làm cho lượng xuất khẩu từ nước này giảm xuống – dự báo xuất khẩu thép của Trung Quốc năm 2008 sẽ giảm 23% so với năm 2007, tương đương khoảng 48 triệu tấn, nhưng giá thép vẫn chưa thể tăng trở lại trong thời gian tới do nhu cầu sụt giảm.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, giá phôi thép trên thị trường thế giới đã tăng liên tục và chạm mức cao nhất 1.150 - 1.200 USD/tấn, tăng gần 70% so với cuối năm 2007. Giá thị trường của các sản phẩm thép trong nước có thời điểm tăng đến 20-21 triệu đồng/tấn trong những tháng đầu năm 2008.
Giá thép trong nước tăng cao do sự biến động của giá phôi thép trên thế giới. Nhờ đó, các doanh nghiệp ngành thép đã đạt được lợi nhuận lớn khi giá tăng cao. 8 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hòa Phát đạt đến 1.061 tỷ đồng vượt 43% so với kế hoạch, doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt đến 6.241 tỷ đồng, đạt 84% so với kế hoạch. Lợi nhuận của các công ty thép khác cũng không kém, lợi nhuận sau thuế sáu tháng đầu năm Thép Việt Ý đạt 39 tỷ đồng, đạt hơn 98% kế hoạch…
Những tháng cuối năm, ngành thép gặp khó
Theo đánh giá của nhóm chuyên viên CTCK Bản Việt, các doanh nghiệp thép sẽ gặp khó khăn trong những tháng cuối năm do giá thép giảm. Việc thị trường bất động sản đóng băng, cùng với việc trì hoãn thi công các công trình xây dựng đã làm lượng tiêu thụ thép và giá thép giảm mạnh. Giá phôi thép giảm mạnh đã làm cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, do lượng hàng tồn kho cuối quý II/2008 với giá cao trước đây còn khá lớn, trong khi tiêu thụ trong nước chậm lại.
Đối với các doanh nghiệp lớn, khó khăn trong những tháng cuối năm hoàn toàn có thể được bù đắp bởi khoản lợi nhuận cao trong 7 tháng đầu năm 2008. Do vậy, năm 2008 vẫn là một năm phát triển tốt đối với ngành thép và đặc biệt là các công ty trong ngành, dự báo tốc độ tăng trưởng đạt 11%/năm.
Năm 2009, tốc độ tăng trưởng của ngành thép chậm lại, dự báo khoảng 9% do triển vọng phát triển kinh tế thế giới không còn thuận lợi như trước. Với nhu cầu tiêu thụ thép trong nước tăng khoảng 1 triệu tấn/năm, ngành thép Việt Nam dự báo sẽ phát triển tốt với tốc độ tăng trưởng trung bình là 12%/năm trong năm năm tới.
Về dài hạn, khi các dự án đầu tư lớn của nước ngoài vào ngành thép hoàn thành và đi vào hoạt động, cuộc khủng hoảng thừa trong ngành thép sẽ xảy ra. Khi đó sản phẩm thép có thể phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp cũ và mới. Đây sẽ là một khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ để có thể duy trì hoạt động và tồn tại

 

(CafeF)

ĐỌC THÊM