2019 là năm quan trọng với Hòa Phát khi công ty phải chứng tỏ 2 yếu tố sẽ định hướng cho phát triển dài hạn của công ty là khả năng triển khai thành công khu liên hợp Gang thép Dung Quất và tận dụng bối cảnh thách thức của ngành thép để giành lấy thị phần.
Năm 2018 là một năm không mấy thuận lợi của các doanh nghiệp ngành thép trong đó có doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát. Sau khi tăng liên tục trong năm 2017, giá bán thép bình quân của Hòa Phát nằm trong xu hướng giảm trong cả năm 2018.
Dù vậy, nhờ sản lượng tiêu thụ liên tục tăng, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát vẫn tăng trưởng cao. Cụ thể, Hòa Phát công bố doanh thu đạt 55,8 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 8,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7%.
Trong đó, mảng kinh doanh chính là thép (thép xây dựng, ống thép, tôn mạ) đóng góp vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 85% cơ cấu doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Công ty ghi nhận sản lượng bán ra kỷ lục trong năm nay với 3,16 triệu tấn thép thành phẩm các loại.
Các chỉ tiêu kinh doanh của Hòa Phát đều ghi nhận tăng trưởng, nhưng con số này vẫn thấp hơn so với kỳ vọng của giới đầu tư. Giá thép giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn tới bên lợi nhuận của tập đoàn. Cụ thể, tỷ lệ lợi nhuận gộp của công ty giảm xuống còn 17,8% trong quý 4, thấp hơn nhiều so với mức 22,6% cùng kỳ năm trước. Với Hòa Phát, đây cũng là lần đầu tiên kể từ quý 3/2017 lợi nhuận của công ty rơi xuống dưới ngưỡng 2.000 tỷ đồng trong một quý kinh doanh.
Một số dự án Hòa Phát định triển khai đã phải hoãn lại. Nhà máy tôn mạ có công suất 400.000 tấn/năm và vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 7 đã phải tạm ngưng do điều kiện thị trường cạnh tranh và thời tiết bất lợi. Phải đến tháng 12 vừa qua, công ty mới quyết định cho hoạt động.
Là doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam, việc giá thép liên tục rơi từ mức đỉnh từ cuối năm 2017 có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của Hòa Phát. Đặc biệt tập đoàn đang dồn nguồn lực vào xây dựng dự án gang thép Dung Quất. Dự án có công suất thiết kế 4 triệu tấn thép mỗi năm này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu thị trường thép trong nước của Hòa Phát. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thép liên tục giảm và ngành thép toàn thế giới được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, việc tìm đầu ra cho thép của Hòa Phát cũng sẽ là một bài toán nan giải.
Khó khăn nối tiếp khó khăn, dự án gang thép Dung Quất lại có nguy cơ chậm tiến độ vì chưa tìm được đầu ra cho khối vật chất nạo vét khi xây dựng cảng nước sâu. Việc bị chậm tiến độ sẽ tạo ra áp lực tài chính lớn cho Hòa Phát khi doanh nghiệp này đã giải ngân 37 nghìn tỷ đồng vào dự án Dũng Quất, trong đó nguồn vốn vay khoảng 15 nghìn tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, việc một số quỹ ngoại lâu năm tuyên bố chốt lời. Dù khối lượng bán ra không nhiều, song những thông tin này ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, kết quả, cổ phiếu Hòa Phát (HPG) không ngừng giảm giá, đẩy vốn hóa của công ty bốc hơi gần 40% so với mức đỉnh.
Giới phân tích đánh giá, 2019 sẽ là năm quan trọng với Hòa Phát khi công ty phải chứng tỏ 2 yếu tố sẽ định hướng cho phát triển dài hạn của công ty. Đó là khả năng triển khai thành công khu liên hợp Gang thép Dung Quất và tận dụng bối cảnh thách thức của ngành thép để giành lấy thị phần.
Tập đoàn Hòa Phát cũng đặt ra kế hoạch khá tham vọng trong năm nay, với mục tiêu bán được 3,3 triệu tấn thép xây dựng và khoảng 700.000 tấn ống thép, tăng khoảng 60% so với năm ngoái. Điều kiện là dự án Dung Quất được triển khai đúng tiến độ.
Khi đó, đến cuối năm 2019, Hòa Phát sẽ có chuỗi giá trị toàn diện với lợi thế kinh tế theo quy mô lớn nhất ở sản phẩm thép xây dựng và ống thép, riêng công suất thép xây dựng sẽ tăng lên 4,36 triệu tấn/năm.
Dự án Dung Quất sẽ đóng góp sản lượng 1,2-1,7 triệu tấn thép trong năm 2019, trong đó khoảng 400.000 tấn thép xây dựng xuất khẩu sang các nước như Campuchia, Philippine, Indonesia, Nhật Bản và có thể các nước Bắc Mỹ.
Tỷ suất lợi nhuận tại các thị trường xuất khẩu hiện cao hơn một chút so với trong nước. Và tập đoàn đặt mục tiêu trong dài hạn sẽ hướng đến tỷ trọng xuất khẩu là 20%, cao gấp đôi so với hiện tại.
Một tín hiệu vui cho Hòa Phát là giá thép xây dựng đã bật tăng trở lại từ mức thấp trong tháng 12 năm ngoái. Trong tháng đầu tiên của năm, Hòa Phát đã hai lần liên tiếp tăng giá bán thép xây dựng và giá bán đã tăng 3,3% so với đầu tháng lên 12,4 triệu đồng/tấn từ 12 triệu đồng/tấn vào cuối năm ngoái.
Tiêu thụ thép xây dựng đã tăng dần trở lại từ tháng 1 năm nay khi các đại lý đẩy mạnh tồn kho khi giá bắt đầu tăng. Hôm 12/2 tập đoàn cho biết sản lượng đạt gần 250 nghìn tấn trong tháng đầu năm 2019, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với sản lượng dự kiến tăng mạnh trong năm nay, Hòa Phát không giấu diếm ý đồ tập trung đẩy mạnh số lượng bất chấp giảm biên lợi nhuận. Lợi thế của Hòa Phát đó là giá thép bán ra đang thấp hơn so với TISCO, đối thủ chính của công ty ở thị trường phía Bắc. TISCO sử dụng công nghệ lò cao tương tự như Hòa Phát song giá bán vẫn cao hơn khoảng 2% do bất lợi về sản lượng. Trong khi đó các nhà sản xuất thép khác ở phía Nam như Pomina hay Vinakyoei sử dụng công nghệ lò điện với chi phí xây dựng trên một tấn thép cao hơn khoảng 10%.
Các công ty phân tích đánh giá, sau những biến động trên thị trường thép thế giới, quá trình tái cơ cấu ngành thép trong nước tiếp tục diễn ra và Hòa Phát vẫn là nhà sản xuất có quy mô lớn nhất với mức chi phí sản xuất thấp nhất. Hòa Phát đã thành công duy trì lợi thế của mình thông qua chiến lược mở rộng công suất liên tục, cho phép công ty hiện đại hóa các cơ sở sản xuất và duy trì lợi thế về quy mô, từ đó giúp công ty tiết kiệm chi phí đáng kể. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế dành cho Khu kinh tế Dung Quất sẽ giúp cải thiện lợi nhuận sau thuế và bù đắp cho tỷ suất lợi nhuận giảm.
Nguồn tin: Theleader