Trước đó, trong tháng 6 giá thép lao dốc và “chạm đáy” với mức giá 11 triệu đồng/tấn. Rồi chỉ một tháng sau giá lại trở đầu đi lên với tốc độ chóng mặt. Trong tháng 7 các nhà phân phối đẩy mạnh nhập hàng khi số lượng thép lưu kho đã cạn. Vì thế nhập hàng nhiều cũng khiến nhu cầu cùng với giá sẽ đi lên.
Tháng 8 cũng nằm ngoài dự đoán, giá thép theo đà vẫn tăng lên khi các công ty điều chỉnh tăng giá cao hơn từ 700 nghìn tới 1 triệu đồng/tấn. Bước vào tháng 9 diễn biến giá cũng một lần nữa không chiều lòng những dự báo trước đó của Hiệp hội Thép Việt Nam khi giá đã bắt đầu chững lại.
Thị trường trong cơn “sốc” giá
Việc giá phôi thép trên thế giới biến động liên tục, thêm vào đó, thị trường trong nước đối diện với sự cạnh tranh mạnh mẽ của thép nhập khẩu, đã “tạo sóng” giá cả trở nên phức tạp và khó dự báo hơn. Chỉ sau hai tháng giá thép đã dao động với biên độ lớn với đà đăng trên 2 triệu đồng/tấn.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện nay các DN phải nhập khẩu 40% phôi thép và 80% thép phế để sản xuất trong nước. Vì thế, khi giá phôi thép và thép phế biến động thì ảnh hưởng không nhỏ đến giá thép nội địa. Tỷ trọng của phôi thép nhập khẩu chiếm tới 92% giá cả sản phẩm. Như vậy giá phôi thép và thép phế trong thời gian qua liên tục biến động làm diễn biến giá trong nước của 3 tháng trở lại đây trồi sụt thất thường.
Khi giá phôi lên quá cao, một số DN hạn chế sản xuất, mà nhập khẩu thép thành phẩm để kinh doanh. Theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Việt, hiện tại với thuế suất nhập khẩu thép là 0% thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước như Thép Việt đang vấp phải nhiều sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nhập khẩu thép thành phẩm. Để cạnh tranh, Thép Việt phải đầu tư thêm vào thiết bị kỹ thuật và nâng cao chất lượng. Như vậy việc tăng giá là chuyện tất yếu. Giá phôi thép lên quá cao trong tháng 8 cũng tạo sức ép không nhỏ trong quyết định tăng giá của các doanh nghiệp.
Giá thép trong nước cũng có khả năng bị thao túng do hệ thống phân phối yếu. Chỉ có 70% lượng thép của Tổng công ty Thép Việt Nam đến được trực tiếp người tiêu dùng. Số còn lại qua hệ thống phân phối và không được hưởng chiết khấu trực tiếp thì việc kiểm soát giá bán cũng rất khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Chủy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết Trong hội nghị giao ban trực tuyến của Bộ Công thương ngày 06/09.
Việc diễn biến giá đi lệch những dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam một phần cũng do điều chỉnh tỷ giá VND/USD. Trong tháng 8 tỷ giá được điều chỉnh tăng thêm khoảng 2%. Đó là những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp thép không thể không tăng giá bán. Đây là một yếu tố bất ngờ nên giá thép được các doanh nghiệp đẩy lên trong tháng 8 là điều bất đắc dĩ.
Tuy vậy một lần nữa giá phôi thép lại dẫn dắt giá thép trong cả tháng 9. Giá phôi trên thị trường thế giới chỉ dao động quanh mức 580 - 600 USD/tấn, thép phế khoảng 390 - 400 USD/tấn đã kéo giá thép giảm xuống 200.000- 400.000 đồng/tấn. Lượng tiêu thụ thép chỉ đạt 283 nghìn tấn, bằng 59% lượng tiêu thụ của tháng trước đó. Nửa cuối tháng 10, cũng là cuối mùa mưa bão ở nước ta, theo dự báo của VSA nhu cầu về xây dựng tăng mạnh, lượng thép tiêu thụ cũng sẽ cải thiện.
Thị trường thép vào cuối năm sẽ có thể tăng lượng tiêu thụ khi bắt đầu bước vào mùa xây dựng. Tuy nhiên theo ông Nghi giá thép vẫn không đơn giản để dự báo trước và cũng khó để đưa vào một quỹ đạo nào nhất định. Sự phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu sản xuất thì việc để đưa ra dự báo trong thời gian dài hạn trở nên khó khăn hơn. Hiện tại Hiệp hội Thép Việt Nam thì cũng chỉ đưa ra những nhận định theo từng tháng.
Ổn định cần nhiều thời gian
Sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường thép nội địa cũng làm cho sự điều tiết về giá của các doanh nghiệp trong nước trở nên bị động hơn. Ông Chủy cho biết “Thị phần của công ty không còn chiếm ưu thế, sản lượng của Tổng công ty chiếm 56%, công suất cũng chỉ chiếm 53% tổng công suất của cả ngành thép nên rất khó để cho doanh nghiệp điều phối thị trường.”
Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể hiện được năng lực sản xuất của mình. Chủ yếu chỉ là gia công và nguồn nguyên liệu sản xuất hoàn toàn là nhập khẩu. Hàng năm vẫn nhập khẩu quá nhiều đó là nguyên nhân làm cho các doanh nghiệp trong nước mất đi quyền quyết định giá. Khi các doanh nghiệp tập trung nhập khẩu thì trong đó luôn tiềm ẩn nguy cơ phá giá thị trường và gia tăng đầu cơ.
Ông Nghi cho biết, để thị trường thép Việt Nam ổn định, giảm nguy cơ phải đối diện với bão giá cần rất nhiều thời gian. Điều đầu tiên cần phải giải quyết đó là cần phải có các khu liên hợp khai thác thép trong nước. Các dự án thép có quy mô lớn đa phần vẫn còn nắm trên biên bản và cũng có xu hướng chạy theo phong trào. Giá thép sẽ ổn định nếu như trong thời gian tới các dự án hoàn thiện và đáp ứng được nhu cầu sản xuất thép trong nước.
Hầu hết các doanh nghiệp trong nước quy mô còn nhỏ, chưa đầu tư vào khai thác thượng nguồn mà chủ yếu là gia công. Nguyên liệu sản xuất phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu cũng tạo áp lực không nhỏ trong việc định hình giá trên thị trường. Để tránh rủi ro, các doanh nghiệp sản xuất cần đầu tư công nghệ và chủ động đầu tư khai thác từ nguyên liệu sản xuất.
Ông Nghi còn cảnh báo nguy cơ thị trường thép trong nước sẽ mất dần vào tay các doanh nghiệp nước ngoài nếu như các doanh nghiệp trong nước không mở rộng quy mô và có chiến lược cụ thể. Đến năm 2016 thuế suất nhập khẩu thép là 0% áp dụng cho tất cả các nước vì thế sự thâm nhập vào thị trường thép của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ là tất yếu. Sự cạnh tranh về giá sẽ đặt các doanh nghiệp trong nước vào thế bị động khi chi phí đầu vào cho sản xuất trong nước quá cao.
Nguồn: Tamnhin.net
Độc giả có thể gửi ý kiến, nhận xét, bày tỏ quan điểm của mình đối với tin tức này bằng cách bấm vào nút "Ý kiến Của bạn"