Giá thép cao hơn giá thế giới và giá thép một số nước trong khu vực tạo điều kiện cho thép ngoại tràn về khá nhiều.
Giá bán tại các nhà máy thép hiện khoảng 18 triệu đồng/tấn (đã tính thuế), cao hơn giá thép thế giới khoảng 4 triệu đồng/tấn và cao hơn giá thép tại một số nước trong khu vực.
Nguyên nhân do chi phí vận chuyển, bốc xếp trong nước cao gấp 2, 3 lần so với các khu vực khác. Thuế nhập khẩu và chi phí sản xuất hiện còn khá cao.
Trong thời gian tới, nhiều nhà sản xuất thép có ý định tăng giá để bù đắp một phần vào chi phí vay ngân hàng. Ngoài ra, giá điện tăng do thực hiện theo giá thị trường, giá thép chắc chắn tăng theo.
Về giá phân bón, từ cuối năm 2010, giá phân bón tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg, tùy loại. Hiện đang vào mùa vụ hè thu, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, giá phân bón trong nước tiếp tục tăng. Tại các tỉnh ĐBSCL, phân urê lên đến 9.800 đồng/kg (tăng 1.300 đồng/kg), DAP 15.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg), kali 12.200 đồng/kg (tăng 2.200 đồng/kg), NPK có giá bán 11.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg)…
Nhà nước đã hỗ trợ bình ổn giá phân bón như áp dụng thuế suất nhập khẩu 0%, ưu đãi giá đầu vào một số loại phân bón sản xuất trong nước... nhưng trên thực tế, việc triển khai các biện pháp bình ổn còn bất cập; chưa chú trọng đến dự trữ nên khi nhu cầu tăng cao gây biến động, đẩy giá tăng ngay.
Mạng lưới cung ứng phân bón đến tay nông dân còn chồng chéo; tình trạng đầu cơ găm hàng... cũng góp phần đẩy giá phân bón tăng.
Ngoài ra, giá phân bón tăng là do lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu. Khi đó, cứ có lý do để tăng giá là các doanh nghiệp nước ngoài lại tạo sức ép.
Nguồn Người lao động