Thị trường thép châu Âu chao đảo kể từ khi bắt đầu xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine. Đã hơn một tháng trôi qua, giá thép Châu Âu vẫn tiếp tục tăng mạnh bởi hoạt động giao hàng bị gián đoạn, các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các nước phương Tây, và giá năng lương tăng vọt.
Nga là nhà sản xuất thép lớn thứ 5 thế giới, trong khi Ukraine đứng ở vị trí thứ 14, cả hai kết hợp lại chiếm tổng cộng 1/5 tổng lương thép nhập khẩu vào Liên minh Châu Âu.
Giá thép cuộn cán nóng (HRC) trên thị trường Châu Âu đã tăng gần 40% trong 3 tuần qua. Cùng xu hướng đó, giá thép ở Bắc Mỹ và Trung Quốc cũng tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn, khoảng 7-8%.
Nhà phân tích Kaye Ayub thuộc công ty tư vấn MEPS International cho biết: "Có vẻ như chắc chắn giá sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Chúng tôi dự báo xu hướng này sẽ kéo dài hết tháng 3 và sang tháng 4". Theo ông: "Nguồn cung đã bị gián đoạn hàng loạt ở châu Âu, và sẽ mất khá nhiều thời gian để giải quyết điều đó."
Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu thép hàng đầu thế giới, có thị phần vượt trội, nhất ở ở các thị trường Châu.
Nhà phân tích Andrew Jones của UBS cho biết: "Ở châu Âu, Nga và Ukraine có quyền định giá đối với các nhà máy thép ... và việc mất đi khoảng 20% lương thép thành phẩm nhập khẩu từ Nga/Ukraine đã khiến thị trường bị thắt chặt nguồn cung".
Mặc dù các lệnh trừng phạt của các quốc gia phương Tây không nhắm mục tiêu cụ thể vào các công ty thép của Nga, nhưng các vấn đề hậu cần và tác động liên đới từ các lệnh trừng phạt đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh cũng như vận chuyển thép.
Ngoài lo ngại mất nguồn cung từ Nga và Ukraine, châu Âu cũng đang phải đối mặt với việc giá năng lượng tăng vọt do cuộc xung đột.
Ngành thép của nước khu vực này đã phải vật lộn với chi phí năng lượng cao do việc Nga thực hiện "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine đẩy giá dầu và khí đốt tăng đột biến, kéo giá điện tăng theo.
Sản lượng thép từ các lò điện chiếm hơn 40% tổng sản lượng thép Châu Âu, là tỷ lệ cao hơn so với tất cả các khu vực khác.
Sau khi xung đột nổ ra, các nhà sản xuất thép ở Tây Ban Nha như ArcelorMittal và nhà sản xuất thép không gỉ Acerinox đã cắt giảm sản lượng, trong khi hãng Lech-Stahlwerke của Đức ngừng sản xuất ở Bavaria.
Theo nhà phân tích Michael Widmer của Bank of America, tác động đầy đủ của cuộc xung đột vẫn chưa được thể hiện trong dữ liệu sản xuất, nhưng sản lượng thép của châu Âu trong tháng 1 đã giảm xuống mức thấp nhất tính theo mùa kể từ năm 2009.
Trong tháng 2, sản lượng thép thô ở Liên minh châu Âu giảm 2,2% so với tháng liền trước, trong khi ở các nơi khác của Châu Âu giảm giảm 4,8%, dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới cho thấy.
Các biện pháp mới cấm các sản phẩm thép thành phẩm của Nga vào Liên minh châu Âu dự kiến sẽ sớm có hiệu lực và các thương nhân đã buộc phải tăng giá do nhận định nguồn cung sẽ còn tiếp tục sụt giảm.
Hôm 12/3, EU thông báo sẽ cấm nhập khẩu sắt, thép từ Nga và cấm xuất khẩu hàng xa xỉ tới Matxcơva. Hôm 16/3, EU thông báo sẽ tăng thuế đối với các sản phẩm thép không gỉ từ Ấn Độ và Indonesia, sau khi xác định chúng được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp không công bằng, trong đó có một số từ Trung Quốc. Những động thái này sẽ càng khiến cho thị trường thép Châu Âu thêm thắt chặt.
Nguồn tin: Cafef