Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá thép giảm mạnh, "cắt đứt" chuỗi tăng liên tiếp

 Sau chuỗi ngày giữ ở mức ổn định, giá thép xây dựng trong nước đồng loạt giảm mạnh, xuống mức 16,440 triệu đồng - 16,900 triệu đồng/tấn…

Giá thép “quay đầu” giảm mạnh

Theo ghi nhận trong những ngày qua, nhiều doanh nghiệp thép đã ra thông báo đến các nhà thầu về việc giảm giá thép. Như vậy, so với thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2021, giá thép xây dựng đến ngày 22/6/2021 đã giảm khoảng 750 nghìn đồng – 1,5 triệu đồng/tấn (tùy theo thương hiệu và sản phẩm). Tính từ đầu tháng 6 đến nay, thép xây dựng đã có hai đợt giảm giá, trước đó là ngày 9/6/2021.

Cụ thể, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam hiện ở mức 16,6 triệu đồng – 16,7 triệu đồng/tấn, thép cây D10 ở mức 16,8 triệu đồng – 16,9 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Ý tại miền Bắc, giá thép cuộn CB240 giảm xuống mức 16,7 triệu đồng/tấn; thép D10 CB300 có giá trên 16,8 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, thép Kyoei tại miền Bắc với dòng thép cuộn CB240 ổn định ở mức 16,6 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 có mức giá 17 triệu đồng/tấn.

Công ty thép Thái Nguyên với 2 sản phẩm của hãng là thép cuộn CB240 giảm nhẹ, hiện có giá 16.340 đồng/kg; thép D10 CB300 ở mức 17.000 đồng/kg.

Thương hiệu Thép Mỹ tại miền Bắc với dòng thép cuộn CB240 ở mức trên 16 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá là 17,1 triệu đồng/tấn.

Theo một doanh nghiệp kinh doanh thép, vào thời điểm tháng 6, 7 hằng năm là mùa mưa, các công trình sẽ ít thi công nên số lượng thép bán ra sẽ giảm hơn, giá cũng thường được điều chỉnh giảm, các công trình ít thi công nên giá thường giảm theo cung cầu. Tuy nhiên, đến những tháng cuối năm là thời kỳ cao điểm của mùa xây dựng, giá thép có thể tăng trở lại.

Việc giá thép tăng mạnh thời gian gần đây đã tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh, cụ thể và trực tiếp nhất là hoạt động xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình, việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy giá nhà ở tăng cao… Ở tầm vĩ mô, giá thép và vật liệu xây dựng tăng cao gây khó khăn cho công tác kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.

Vì vậy, các Bộ, ngành liên quan đã đề ra một số giải pháp nhằm kiềm chế đà tăng giá thép. Điều này đã góp phần giảm bớt chi phí cũng như thiệt hại cho các doanh nghiệp xây dựng.

Thành lập đoàn liên ngành làm việc với doanh nghiệp về giá thép

Liên quan đến vấn đề giá thép tăng cao thời gian qua, trao đổi bên lề cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã thành lập một đoàn làm việc với các doanh nghiệp thép có thị phần lớn trên thị trường. Thành phần đoàn bao gồm phía Bộ Công Thương cùng các cơ quan có liên quan khác như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Hải quan, Tổng cục thuế, Hiệp hội Thép Việt Nam, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương…

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, Đoàn công tác sẽ làm việc với Hiệp hội, doanh nghiệp thép nhằm nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, tình hình cung cầu đối với nguyên liệu đầu vào cũng như sản phẩm thép thành phẩm trong thời gian vừa qua cũng như dự báo trong thời gian tới. “Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đã nêu chi tiết về các nguyên nhân giá thép tăng trong thời gian gần đây, song chúng tôi vẫn muốn làm việc cụ thể với các doanh nghiệp, để nắm bắt cụ thể hơn ngoài các yếu tố chính như: Giá nguyên liệu quặng sắt, sắt phế, điện cực... tăng cao trong thời gian qua còn có những nguyên nhân nào khác nữa không?", ông Nguyễn Ngọc Thành thông tin thêm.

Theo đó, về thời gian làm việc của Đoàn công tác liên ngành với Hiệp hội và các doanh nghiệp thép đã triển khai thực hiện từ ngày 17/6/2021. Trước mắt sẽ tiến hành làm việc với các doanh nghiệp phía Bắc, còn khu vực miền Nam đang có dịch diễn biến phức tạp nên sẽ tiếp tục xem xét sau.

Nguồn tin: Công thương

ĐỌC THÊM