Tình hình những ngày gần đây, giá sắt, thép trên thị trường có xu hướng giảm mạnh khiến người tiêu dùng, doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng giá thép sẽ hạ nhiệt từ nay đến hết năm 2021. Tuy nhiên, giá thép vẫn được dự báo sẽ tiếp tục tăng trở lại vào cuối quý III, quý IV/2021.
Sau nhiều lần tăng giá, ghi nhận mới đây, nhiều doanh nghiệp thép đã ra thông báo về việc giảm giá thép như thép Hòa Phát báo giá so với thời điểm giá thép "lập đỉnh" sát mức 18,3 triệu đồng/tấn cách đây gần một tháng, hiện mỗi tấn thép cuộn Hòa Phát giảm hơn 1 triệu đồng; Thép thanh cũng hạ 500.000 – 700.000 đồng/ tấn. Tương tự, thép cuộn Việt Đức cũng giảm còn 17 triệu đồng/ tấn, giảm 960.000 đồng/tấn so với thời điểm đầu tháng 6. Các mặt hàng thép thanh (D10, D12 và D14) cũng về dưới ngưỡng 17 triệu đồng/tấn, số mặt hàng.
Công ty gang thép Thái Nguyên cũng đã có thông báo về giá bán áp dụng từ ngày 8/6, theo đó giá thép các loại dao động ở mức 17.200 – 17.550 đồng/kg, giảm nhẹ so với mức giá tuần trước.
Mức giảm giá nêu trên được các doanh nghiệp lý giải do giá phôi thép và nguyên vật liệu giảm nên có sự điều chỉnh này.
Đánh giá về nguyên nhân giảm giá thép, các chuyên gia cho rằng, giá thép trong nước vài ngày gần đây hạ nhiệt do giá nguyên liệu như quặng sắt, phôi, than cốc... chiếm 70 – 80% giá thành đang trong xu hướng giảm. Giá quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch Đại Liên (Trung Quốc) ngày 8/6 giảm xuống mức thấp nhất so với đầu tháng 6, hiện chỉ còn 173,03 USD/tấn. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm giá thép có thể tăng lên, vì giá thép neo quá cao từ cuối năm 2020 đến hết đầu quý I/2021, cho nên đà giảm giá thép sẽ không kéo dài và sẽ tăng trở lại vào khoảng cuối quý III, đầu quý IV/2021.
Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trong khoảng tháng 6, 7 hàng năm là thời điểm mùa mưa, các công trình xây dựng sẽ ít thi công nên số lượng thép bán ra sẽ giảm kéo theo doanh nghiệp sắt thép điều chỉnh giảm giá. Giá thép năm nay đã tăng cao tới 45% so với trung bình hằng năm nên trong tháng 6, tháng 7 giá sắt chỉ giảm khoảng 3 – 5%, nhưng vào cao điểm mùa xây dựng (từ 3 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm) giá thép có thể sẽ tăng trở lại.
Để có thể chặn đà tăng giá thép, các doanh nghiệp sản xuất cần tiết giảm chi phí sản xuất, ưu tiên nguồn phôi thép để dùng sản xuất trong nước, bảo đảm bình ổn giá. Để làm được điều này đòi hỏi Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các DN sản xuất phôi tạm thời hạn chế xuất khẩu, ưu tiên thị trường nội địa, qua đó hạn chế sự tăng giá thép xây dựng.
Nguồn tin: Xây dựng