Giá nguyên vật liệu sản xuất quay đầu giảm đã kéo giá thép giảm theo từ 300.000 - 500.000 đồng/tấn.
Báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, giá quặng sắt loại tuần qua giao dịch ở mức 139 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 16 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4/2022. Mức giá này giảm khoảng từ 71-73 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận đầu tháng 5/2021 (khoảng từ 210-212 USD/tấn).
Giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 530 USD/tấn, giảm 94 USD/tấn so với hồi đầu tháng 4/2022. Trong tháng 4/2022, giá thép phế nội địa giảm từ 1-1,2 triệu đồng/tấn, giữ ở mức 12,1-13 triệu đồng/tấn trong tháng 4/2022.
Giá thép phế nhập khẩu cũng đã giảm 80 USD/tấn, giữ ở mức 570 USD/tấn vào cuối tháng 4 vừa qua. Giá thép cán nóng (HRC) ngày 9/5/2022 ở mức 797 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 81 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 4/2022.
Với việc giá nguyên liệu thế giới giảm, giá bán thép xây dựng trong nước đầu tháng 5/2022 đã điều chỉnh giảm trung bình từ 300.000-500.000 đồng/tấn kể từ cuối tháng 4/2022, hiện ở mức bình quân 18.250-18.500 đồng/kg, tùy loại sản phẩm và từng doanh nghiệp.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trong nước mới đáp ứng từ 20-30% nhu cầu sản xuất, còn lại vẫn phụ thuộc nhập khẩu. Do đó, giá thép tại Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào giá nguyên liệu thế giới.
Việc giá thép giảm sẽ giúp các nhà thầu công trình hạ tầng giao thông, đầu tư công hay xây dựng dân dụng công nghiệp đẩy nhanh thi công do bớt áp lực, khó khăn khi giá vật liệu xây dựng tăng cao. Hiện thép chiếm khoảng từ 20 - 30% chi phí xây dựng của các nhà thầu thi công trong mỗi công trình.
Nguồn tin: VTV News