Sau hơn 2 tháng dồn dập tăng giá, hôm 22/4, giá thép xây dựng bán lẻ đã bắt đầu giảm nhiệt, mặc dù, mức giảm còn rất khiêm tốn: 200.000 đồng /tấn.
Chênh 700.000 đồng/tấn so với giá nhà máy
Theo ghi nhận thị trường Hà Nội của PV VietNamNet, hôm 22/4, giá thép xây dựng bán lẻ nhãn hiệu Việt Úc hiện chỉ còn mức 16,7 triệu đồng/tấn, giảm 200.000 đồng/tấn so với 2 ngày trước.
|
Giá thép bán lẻ tăng nhanh hơn giá thép tại nhà máy (ảnh: P.H) |
Đây là đợt giảm giá bán lẻ đầu tiên kể từ Tết đến nay. Chị Phạm Thị Hoàn, chủ công ty thép Toàn cầu, bán lẻ thép Việt Úc cho biết, mức giá trên đã bao gồm cả chi phí dịch vụ vận chuyển tới nhà dân, chi phí lưu kho bãi, lợi nhuận kinh doanh và VAT.
Mức giảm trên là tương ứng với mức giảm mà đại lý cấp 1 “báo giá” về cửa hàng bán lẻ hôm 21/4, từ 16,2 triệu đồng/tấn xuống còn 16 triệu đồng/tấn.
Đại lý của Công ty Thép Thái Nguyên tại đường Phạm Văn Đồng cho biết, hiện thép Thái Nguyên bán lẻ vẫn giữ giá và thống nhất với giá thép nhà máy công bố từ 9/4 là 15,807 triệu đồng/tấn (cộng cả VAT).
Tuy nhiên, đây chỉ giá thép bán tại cửa hàng. Khách mua hàng sẽ phải tự lo chi phí bốc xếp, vận chuyển, thuê xe, lưu kho bãi…
Theo ông Tuấn Anh, Phó TGĐ Công ty Thép Việt Úc, giá thép xây dựng giao ngay tại nhà máy nếu cộng cả VAT là 15,950 triệu đồng/tấn và giá tại đại lý cấp 1 của Việt Úc xấp xỉ giá tại nhà máy là 16 triệu đồng/tấn.
Có thể thấy, khi tới tay người tiêu dùng, giá thép Việt Úc đã tăng tới 700.000- 750.000 đồng/tấn. Các cửa hàng bán lẻ cũng xác nhận điều này và cho biết, giá thép các thương hiệu Hòa Phát, Việt Hàn, Việt Ý cũng tương đương như vậy.
Khi được biết mức chênh lệch giá trên, vị Phó TGĐ phụ trách kinh doanh của công ty Thép Việt Úc có vẻ “không tin”.
“Tình hình tiêu thụ thép đang chững lại, không thể trên thị trường có mức giá thép bán lẻ đó được. Như vậy là mức giá quá cao, khách sẽ không mua! Nếu thực sự có mức tăng giá đó thì, phía công ty cũng chịu, không hiểu được”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Cũng rất ngạc nhiên với mức chênh lệch này, ông Vũ Thanh Sơn, Phòng Kế hoạch kinh doanh, công ty Thép Thái Nguyên băn khoăn: “Mức giá bán lẻ lên tới 16,7 triệu đồng/tấn là quá cao và là mức chênh lên quá lớn so với giá nhà máy.”
Trước đó, không ít lần ông Hoàng Văn Tòng, Phó TGĐ công ty Thép Thái Nguyên cũng nhấn mạnh: “Giá thép bán lẻ còn phụ thuộc vào khoảng cách vận chuyển từ nhà máy, từ cửa hàng về đến công trình. Tuy nhiên, công ty không thể kiểm soát được là giá thép bán lẻ tới tay người tiêu dùng thực sự sẽ là bao nhiêu?”
“Nếu khách hàng mua thép tại hệ thống đại lý của thép Thái Nguyên thì chắc chắn sẽ mua đúng giá như nhà máy công bố”, ông nói.
Anh Lê Quang Dũng, Giám đốc công ty xây dựng Việt Long nói, các cửa hàng bán lẻ chỉ "làm giá" với các hộ dân đi mua lẻ thôi, phải mua đắt theo đúng báo giá công bố.
"Còn với dân xây dựng chuyên nghiệp, mua của cửa hàng quen thì có thể chỉ phải trả 16,2 triệu đồng/tấn, rẻ hơn giá bán lẻ tới 500.000 đồng/tấn", anh Dũng cho biết.
Nhà đầu cơ thép xả hàng
Tuy nhiên, mức giá thép hiện nay vẫn cao hơn rất nhiều so với ngày 1/3. So với thời điểm này, giá bán lẻ của thép xây dựng hiện tăng ở mức kỷ lục: 3,6 triệu đồng/tấn.
|
Sản xuất thép vẫn ổn định (ảnh: theo congthuong) |
Trong khi đó, giá thép giao ngay tại nhà máy trong khoảng thời gian này chỉ tăng 2,4 triệu đồng/tấn.
Có thể thấy ngòai thị trường, mặt hàng thép vừa qua đã bị làm giá và tăng mạnh hơn mức điều chỉnh thực sự tại các nhà máy.
Nay, các cửa hàng bán lẻ lại công bố giảm giá trong khi suốt nửa tháng qua, giá thép giao ngay tại nhà máy vẫn duy trì ổn định.
Ông Tuấn Anh, Phó TGĐ Công ty Thép Việt Úc cho biết, công ty vẫn giữ giá 15,950 triệu đồng/tấn (cả VAT) từ đầu tháng đến nay.
Bên cạnh đó, giá phôi thế giới đã chững lại và đang đứng ở mức 660USD/tấn trong 2 tuần qua.
Các chuyên gia thị trường thép đều khẳng định, việc giảm giá bán lẻ trên càng chứng tỏ trước đây thép bị đầu cơ và nay, nhà đầu cơ đang xả hàng.
Tháng 3, các thành viên Hiệp hội Thép đã tiêu thụ 568.000 tấn thép xây dựng. Nhưng, theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, đây mà mức tiêu thụ thép đột biến. Trong một tháng, các công trình xây dựng chưa thể “ngốn” hết lượng thép khổng lồ đó.
Ông Nghi nói: “Có thể một số đại lý lớn đã ôm hàng. Bởi thế, tháng 4, tình hình tiêu thụ từ các nhà máy thép báo cáo về, cho thấy chậm hẳn và có thể giảm ít nhất 100.000 tấn so với tháng 3.”
Bây giờ, khi lượng thép tồn kho đã khá nhiều, các công ty thương mại buộc phải đẩy hàng ra và giảm giá.
Ông Nguyễn Tiến Nghi cũng lưu ý, mức giá 15,950 triệu đồng/tấn chưa VAT là mức giá cao nhất áp dụng cho thép xây dựng chất lượng tốt, mác SD 390, đường kính từ 25-32mm. Thông thường, chỉ những nhà cao, công trình lớn mới dùng thép này.
Tại các công trình dân dụng bình thường, như xây nhà ở…, người tiêu dùng có thể mua thép mác thấp hơn, với giá từ 13,8 – dưới 14,3 triệu đồng/tấn như SD 290… (chưa VAT).
(Vietnamnet)