Sau khi duy trì được đà tăng 9 ngày liên tiếp kể từ đầu tháng 7, trong ngày thứ sáu vừa qua (26/7), giá thép cây giao kỳ hạn tháng 1/2014 tại sàn Shanghai Futures Exchange (SHFE) đã giảm 0.43% ( 9 NDT/tấn) so với 22/7, xuống còn mức 3.669 NDT/tấn (594 USD/tấn). Có lẽ việc giá thép Trung Quốc giảm trở lại trong thời điểm này không có gì đáng ngạc nhiên do nhiều thành viên thị trường cũng đã trình bày những quan ngại hoặc đưa ra những dự báo tiêu cực trước đó, tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là việc này đã diễn ra quá sớm.
Dựa trên bối cảnh thị trường hiện tại cũng như những báo cáo số liệu tuần qua, có thể thấy giá thép cây giao kỳ hạn giảm do các nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, sản lượng thép thô Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng trở lại. Sau những thông tin dồn dập về sản lượng thép thô và hàng tồn kho giảm trong bối cảnh giá thép nội địa tăng đã thúc đẩy các nhà máy gia tăng công suất sản xuất, theo đó, làm sản lượng thép bùng nổ trở lại. Theo báo cáo của CISA cho hay, bình quân sản lượng thép thô theo ngày Trung quốc từ 11-20/7 đạt mức 2.13 triệu tấn/ngày, tăng 2.3% so với giai đoạn 10 ngày đầu tháng 7.
Thứ hai, giá thép tăng cao đã kìm hãm lại sức mua làm nhu cầu tiêu thụ suy yếu, qua đó, kéo gía thép giảm trở lại. Mặc dù thị trường thép Trung Quốc đã có dấu hiệu khởi sắc kể từ đầu tháng 7 và người tiêu thụ cũng dần tham gia thu mua tích trữ trở lại, tuy nhiên, sức mua này dường như không được cải thiện nhiều mà bằng chứng là các hoạt động giao dịch vẫn diễn ra khá trầm lắng do đang trong mùa tiêu thụ thấp diểm cũng như các cơn mưa kéo dài gây trì hoãn đến các dự án xây dựng trong nước. Như vậy, đà tăng giá thép lần này khả năng chỉ do hiệu quả từ lượng hàng tồn kho trên thị trường giảm. Do đó, ngay sau khi sản lượng gia tăng trở lại đã nhanh chóng kéo giá thép đi xuống.
Thứ ba, niềm tin thị trường dường như cũng đã dần suy yếu trở lại sau các báo cáo kinh tế suy yếu trong nước. Nền kinh tế Trung Quốc đang ở mức báo động khi mà tăng trưởng kinh tế trong quý II chỉ còn 7.5%, thấp hơn 0.2% so với quý trước . Thêm vào đó, theo số liệu của HSBC, chỉ số quản lý sức mua (PMI) sơ bộ tháng 7 của nước này tiếp tục giảm từ 48.2 điểm trong tháng 6 xuống 47.7 điểm, đánh dấu 3 tháng giảm liên tiếp và đồng thời cũng là mức thấp nhất trong 11 tháng bất chấp những hứa hẹn phục hồi kinh tế của Chính Phủ. Trong tình hình nền sản xuất suy yếu như thế này thì hiển nhiên người mua không thể chấp nhận mức giá giao dịch cao, do đó, buộc lòng nhiều nhà sản xuất phải hạ giá xuống thì mới có thể thu hồi được lại lợi nhuận sớm trước khi giá thép có khả năng còn giảm nữa.
Nguồn tin:Satthep.net