Giá thép giảm lần thứ 13 liên tiếp trong 3 tháng, với mức giảm từ 200 nghìn đồng/tấn đến 1,31 triệu đồng/tấn, xuống còn 14,75-16 triệu đồng/tấn.
Theo ghi nhận của Báo Giao thông, hàng loạt thương hiệu thép trong nước tiếp tục giảm giá từ chiều 8/8. Đây là lần giảm thứ 13 liên tiếp trong 3 tháng qua, với mức giảm từ 200 nghìn đồng/tấn đến 1,31 triệu đồng/tấn.
Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, thương hiệu thép Hòa Phát giảm thêm 300 nghìn đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này lần lượt còn 14,88 triệu đồng/tấn và 15,74 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thép Việt Ý, loại thép CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 300 nghìn đồng/tấn và 310 nghìn đồng/tấn, xuống còn 14,75 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu thép Việt Đức cũng giảm thêm 300 nghìn đồng/tấn với thép CB240 và 300 nghìn đồng/tấn với loại D10 CB300, xuống ngưỡng giá lần lượt là 14,75 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn.
Riêng thương hiệu thép Pomina tại khu vực miền Trung, giá thép cuộn CB240 giảm tới 1,31 triệu đồng/tấn xuống còn 14,98 triệu đồng/tấn; Thép D10 CB300 giảm 310.000 đồng/tấn xuống còn 16,39 triệu đồng/tấn....
Như vậy, tính từ ngày 11/5 (ngày bắt đầu chuỗi tăng), tổng mức giảm cao nhất tới 5,4 triệu đồng/tấn, đưa giá thép về mốc 14,75-16 triệu đồng/tấn, cách đáy (mức giá thời điểm chưa tăng phi mã là 11-13 triệu đồng/tấn, tùy loại) khoảng 3 triệu đồng/tấn.
Nguyên nhân giá thép liên tục giảm được các chuyên gia lý giải rằng, do lượng tồn đạt mức cao kỷ lục, buộc các doanh nghiệp phải hạ giá sản phẩm nhằm kích cầu, đẩy hàng tồn.
Theo dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, luỹ kế từ đầu năm, xuất khẩu sắt thép giảm mạnh hơn 22%, trong khi nhập khẩu suy yếu gần 8%. Điều này cho thấy, tiêu thụ giảm mạnh không chỉ ở trong nước, mà ở toàn cầu cũng đang “đóng băng”.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, triển vọng thị trường thép nửa cuối năm khá u ám, trong bối cảnh các nước trên thế giới vẫn đang tìm thêm thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu như Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc), Canada, Hoa Kỳ...
“Đa phần các nhà máy đều ở trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau” theo VSA.
Nguồn tin: Giao thông