Từ đầu tháng đến nay, mức tăng, giảm nhiều loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường đã diễn biến theo nhiều chiều hướng khác nhau chứ không còn xu hướng giảm giá phổ biến như các tháng trước. Do nhu cầu mua sắm tăng lên trong tháng cuối cùng của năm âm lịch, ở nhiều siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, hoạt động mua bán đã nhộn nhịp hơn. Bộ Công thương đánh giá sức mua tháng này có thể tăng trên 20% so với tháng trước. Các thống kê của cơ quan quản lý, phân tích thị trường của bộ Tài chính, bộ Công thương cho thấy, một số loại hàng hoá, thực phẩm như thịt heo, thịt gà, trứng, thực phẩm sấy khô, trái cây, rau củ quả… đều có mức tăng nhẹ từ 2 – 5%. Tuy nhiên mức tăng này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (tháng cận tết các năm có mức tăng trung bình 10 – 15%). Trái lại, giá cả các mặt hàng kim khí, điện máy: ti vi, tủ lạnh, thiết bị gia dụng, quần áo, đồ thời trang… lại giảm mạnh.
Trong các nhóm hàng vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất đã có những biến động đáng chú ý. Giá cả các loại hoá chất, nhựa, cao su vẫn ổn định, không bị sút giảm thêm nhưng nhiều chuyên gia phân tích thị trường cho rằng do giá dầu đang có chiều hướng tăng nên có thể trong thời gian tới, giá cả các mặt hàng này có thể tăng nhẹ. Đáng chú ý nhất là giá thép đang có mức tăng trở lại rất đáng kể. Sức tiêu thụ thép trong nước tháng trước đã tăng lên do nhiều chủ công trình, dự án tận dụng cơ hội giá rẻ trước đó để mua thép vào, đẩy nhanh tiến độ triển khai, thi công các dự án và cũng nhằm để tránh mức thuế VAT tăng thêm với sản phẩm thép (tăng từ 5% lên 10% từ ngày 1.1.2009 theo luật thuế VAT). Nhưng đến nay, nhu cầu, sức mua có thể giảm sút do giá thép tại các nhà máy trong nước đã liên tục được tăng lên. Trong những ngày cuối của tháng 12.2008 và đầu tháng 1.2009, giá thép bán ra tại các nhà máy của tổng công ty Thép Việt Nam tăng thêm 0,5 triệu đồng/tấn, lên mức giá 11,6 – 11,75 triệu đồng/tấn (chưa có VAT). Giá bán thép cuộn ở các nhà máy hiện nay trung bình đã ở mức 11,6 triệu đồng/tấn, giá thép cây khoảng 11,8 triệu đồng/tấn. Trên thị trường bán lẻ, giá thép đã dao động trong khoảng 13 – 13,5 triệu đồng/tấn, cao hơn giá bình quân trên thị trường thế giới. Việc tăng thuế thuế VAT với mặt hàng thép đã tăng từ 5% lên 10% cũng khiến cho người tiêu dùng phải trả thêm khoảng 580.000 đồng/tấn thép.
Việc nhiều doanh nghiệp thép lại tăng giá bán, thuế VAT với thép tăng vào thời điểm này trong khi giá thép trên thị trường thế giới còn ở mức thấp hơn, giá thép nhập khẩu vẫn ở mức dưới 400 USD/tấn là một tín hiệu không tích cực với thị trường. Theo một chuyên gia của bộ Công thương, đợt tăng giá thép này có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ thép, ảnh hưởng tiêu cực đến việc phục hồi sản xuất thép trong nước cho dù mặt hàng này sẽ được Chính phủ hỗ trợ tiêu thụ trong thời gian tới với các chương trình kích cầu đầu tư vào các dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội…
Đáng lưu ý, trong bối cảnh đó, tuần qua, hiệp hội Thép Việt Nam lại kiến nghị bộ Tài chính, bộ Công thương tăng thuế nhập khẩu thép ống từ 5% lên 10%; tăng thuế nhập khẩu tôn mạ crome, mạ thép từ 7% lên 12%. Lý do của đề nghị này là nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, lo lắng không cạnh tranh nổi với thép nhập khẩu do từ đầu tháng 12.2008, Trung Quốc đã hạ thuế xuất khẩu các mặt hàng này từ 15% còn 0%. Hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đưa thép sang Việt Nam theo cả đường xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch, với nhiều hình thức khuyến mại như thưởng 1% giá trị lô hàng có giá trị 250.000 NDT trở lên. Giá thép Trung Quốc chào bán vào Việt Nam chỉ còn khoảng 10,9 triệu đồng/tấn.
Từ những thông tin trên cho thấy, việc các doanh nghiệp trong nước đẩy giá thép lên trong thời điểm này rõ ràng là bất hợp lý, không hài hoà với lợi ích của người tiêu dùng. Nếu giá thép nhập khẩu tiếp tục giảm xuống thì sớm muộn, do không cạnh tranh được, giá thép trong nước sẽ buộc phải giảm tương ứng.