Sau nhiều đợt liên tục điều chỉnh giá thép của các nhà sản xuất, giá thép cuộn bán lẻ trên thị trường hiện dao động trong khoảng 11- 11,2 triệu đồng một tấn (đã gồm thuế VAT), thép thanh 11,4- 11,8 triệu đồng một tấn. So với mức giá trung bình 10- 11 triệu đồng một tấn (đã tính VAT) của quý 1, giá thép bước sang quý 2 đã tăng trung bình 10%- 15%.
|
Áp lực tăng giá khiến thị trường thép khó phục hồi. Ảnh: Đức Long |
Giá thép tăng cũng khiến nhiều người dân phải dốc túi thêm khoản tiền không nhỏ. Anh Lê Hùng, Đội Cấn (Hà Nội), cho biết, đầu năm, gia đình anh tính toán sẽ bỏ ra hơn 600 triệu đồng để xây ngôi nhà bốn tầng trên diện tích 40 m2 (khoảng 4 triệu đồng một m2 xây dựng). Tuy nhiên, do giá thép tăng liên tục và chưa biết còn tăng tiếp hay không, ngôi nhà đến khi xây xong phần thô sẽ trội lên 20 - 30 triệu đồng so với dự tính.
Tăng giá làm giảm cạnh tranh
Lý giải về việc điều chỉnh giá thép liên tục trong thời gian ngắn, ông Nguyễn Minh Xuân, giám đốc công ty Kim khí TP HCM, cho rằng, doanh nghiệp buộc phải tăng giá để bù đắp số lỗ do giữ giá thép thấp quá lâu. Trước đây, do sức cầu yếu, họ chấp nhận bán dưới giá thành để kích cầu thị trường: bán thép tấm bằng chi phí mua phôi sản xuất, giá bán phôi thép cũng chỉ ngang với giá phế liệu nhập về để sản xuất phôi. Tỷ giá biến động, thuế nhập khẩu thép tăng lên 15% (từ ngày 1/4), giá phôi thế giới tăng thêm 30- 50 USD lên 420 USD một tấn… cũng là các lý do oanh nghiệp đưa ra về việc điều chỉnh giá thép liên tục.
Bình luận về diễn biến giá thép gần đây, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho rằng: “Thực tế, mức điều chỉnh giá thép thêm 10%- 15% là không lớn. Tuy nhiên, do doanh nghiệp điều chỉnh thành nhiều đợt liên tục nên đã tạo tâm lý không tốt với người dân, nhà thầu”. Ngay cả khi đã tăng giá, các doanh nghiệp cho biết vẫn đang phải bán dưới giá thành. Cụ thể, với mỗi tấn thép trong kho, họ đang chịu lỗ 500.000- 700.000 đồng.
Điều đáng lo ngại là sức cầu thép mới ở giai đoạn đầu phục hồi, nếu chịu áp lực tăng giá bán sẽ khó có thể vực dậy thị trường thép thời gian tới. Ông Cường thừa nhận, “việc tăng giá phần nào gây bất lợi cho chính doanh nghiệp”, vì thép Trung Quốc giá rẻ vẫn tập kết ở các cửa khẩu chờ cơ hội xâm nhập thị trường.
Sự cạnh tranh với thép ngoại khiến doanh nghiệp thép không thể tiếp tục “lạm dụng” việc tăng giá bán, nếu không tính đến các biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất để giảm lỗ, hạ giá thép ở mức cạnh tranh hơn. Theo dự báo của VSA, giá thép cuối quý 2 sẽ ổn định, không tăng đột biến. “Hiện với 30 nhà sản xuất thép trong nước, doanh nghiệp không thể điều chỉnh tăng vô lý mà phải nhìn nhau”, ông Cường nói.
Xung quanh chuyện Ấn Độ vừa thông báo sẽ điều tra thép Việt Nam bán phá giá vào thị trường này, ông Phạm Chí Cường cho biết, Việt Nam không sản xuất thép tấm, cán nóng nên các doanh nghiệp trong ngành không chịu ảnh hưởng của đợt điều tra. Hiện các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cũng không xuất khẩu thép sang Ấn Độ. Chỉ một số doanh nghiệp thương mại nhập khẩu thép tấm giá rẻ từ Trung Quốc, Nga về, do không có tiền trả ngân hàng đã tái xuất hàng sang Ấn Độ hồi tháng 7- 8/2008. Theo VSA, sức cầu thép tháng 4 đã trở lại mức khả quan, ước đạt 360.000- 370.000 tấn (cao gấp hai lần so với lượng tiêu thụ trung bình của quý 1 và ngang với mặt bằng 300.000 tấn/tháng của năm 2008). |