Mỗi tấn thép hôm nay lại tăng thêm 600.000 đồng so với cách đây một tuần, đưa giá thép xây dựng trong nước sát 19 triệu đồng một tấn.
Ngày 15/3, Công ty cổ phần Sản xuất thép Việt Đức báo với khách hàng sẽ tăng thêm 600.000 đồng một tấn thép, giá này chưa gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Tương tự, Công ty TNHH Thép Hoà Phát Hưng Yên, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên... cũng tăng giá bán mỗi tấn thép thêm 600.000 đồng.
Giống các lần tăng giá trước, lý do được các bên đưa ra là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng.
Như vậy, đây là lần tăng giá thứ hai trong một tuần qua, với mức tăng thêm phổ biến 1,2-1,4 triệu đồng mỗi tấn, đưa giá thép tại một số doanh nghiệp vượt 19 triệu đồng.
Chẳng hạn, một tấn thép cuộn CB240 của thép Thái Nguyên có giá mới 19,53 triệu đồng, thép thanh vằn CB300 D10 (đường kính 10mm) là 19,68 triệu. Các mức giá này chưa gồm thuế VAT và phụ thuộc vào giao hàng thanh toán ngay hay chậm.
Còn giá thép Hoà Phát tại miền Bắc là 18,93 triệu đồng một tấn loại thép cuộn CB240; thép thanh vằn CB300 là 19,03 triệu đồng một tấn. Còn tại miền Trung và miền Nam, hai sản phẩm này cũng có mức giá lần lượt là 18,98 triệu đồng và 19,08 triệu đồng một tấn.
Thép Hoà Phát tăng thêm 600.000 đồng một tấn từ ngày 15/3. Ảnh: Hoà Phát
Việc giá loại nguyên liệu này tăng khiến các doanh nghiệp xây dựng lo lắng. Một tuần nhận hai lần báo giá thép tăng 1,2 triệu đồng một tấn, anh Trung, Giám đốc một công ty xây dựng tại Hà Nội đang phải tính toán lại dự toán các công trình đang triển khai vì giá thép.
Theo anh, mỗi dự án xây dựng dân dụng, chi phí thép thường chiếm 10-30% tổng giá trị dự án, và khoảng 40-50% nếu là công trình xây dựng cầu đường, cao tốc. Do đó, việc giá thép leo thang sẽ tác động rất mạnh tới các nhà thầu.
"Hiện các nhà thầu cạnh tranh quyết liệt bằng giá chào thầu, nên hiệu quả kỳ vọng thường rất thấp, chỉ đủ chi phí để duy trì sản xuất, lấy dòng tiền nuôi bộ máy. Mỗi đợt tăng giá thép như vậy, nhà thầu không thi công thì bị phạt tiến độ, không được thanh toán phần khối lượng đã hoàn thành, mà thi công thì lỗ, càng khó khăn thêm", anh chia sẻ.
Ngoài thép, hiện loạt nguyên vật liệu xây dựng khác như xi măng, cát, bê tông... cũng tăng giá chóng mặt. Từ đầu năm đến nay, mỗi m3 bê tông cũng tăng giá gấp đôi.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá thép xây dựng tăng 10%, giá thành xây dựng các công trình tăng 1%. Vì thế, việc giá loại vật liệu này tăng, ngoài ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, cũng là nguy cơ làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư công quy mô lớn trong gói chương trình phục hồi kinh tế.
Nga là thị trường xuất khẩu lớn các mặt hàng như dầu, khí, thép... Báo cáo ngành thép của Công ty chứng khoán Vietcombank dự báo, giá thành sản xuất thép tăng và giá thép neo ở mức cao khi xung đột Nga - Ukraine đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng mặt hàng này.
Đà tăng theo các dự báo, sẽ chưa dừng lại khi nhu cầu sử dụng thép mạnh và giá nhập khẩu nguyên liệu (than, phôi thép, quặng sắt...) vẫn giữ ở mức cao, gần như quay lại đỉnh cũ năm 2021. Việc này khiến giá thành sản xuất tăng mạnh trở lại.
Hiện, nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, nên giá thép tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép, giá trong nước sẽ khó hạ nhiệt trong ngắn hạn và có thể duy trì mức cao, thậm chí vượt 20 triệu đồng một tấn cho tới khi những bất ổn về nguồn cung, chuỗi cung ứng trên thế giới ổn định trở lại.
Trong lúc này, các nhà thầu xây dựng đành "bấm bụng" tính toán lại dự toán, chi phí, "lấy chỗ nọ, đắp chỗ kia" và tìm cách thương lượng lại với chủ đầu tư để tìm điểm cân bằng, tránh lỗ sâu hơn.
Nguồn tin: vnExpress