Một số chuyên gia cho rằng, mặt bằng giá thép sẽ tiếp tục neo ở mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2022.
Ngành thép vừa có một năm hứng khởi khi giá tăng hơn 40% so với hồi đầu năm, dù lượng tiêu thụ nội địa bị chững lại vì đại dịch Covid-19. Đến tháng 12/2021, giá thép xây dựng tuy có giảm nhẹ 200-300 đồng/kg nhưng vẫn đứng ở mức 15.900-16.000 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp trong ngành như: Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim đã có một năm bứt tốc nhờ giá bán tăng và đẩy mạnh kênh xuất khẩu. Câu hỏi đặt ra là năm 2022, giá thép sẽ diễn biến như thế nào?
Một số chuyên gia cho rằng, mặt bằng giá thép sẽ tiếp tục neo ở mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2022. Lý do, nhiều dự án bất động sản đang trong quá trình triển khai đã bị hoãn lại do ảnh hưởng giãn cách xã hội, nhưng từ đầu năm sau, các dự án này sẽ nhanh chóng được triển khai để đáp ứng yêu cầu về tiến độ đã cam kết với khách hàng. Năm 2022 sẽ chứng kiến nhiều dự án đầu tư công có quy mô lớn khởi công, đáng kể, nhất là các tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến vành đai... sẽ giúp lượng thép tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ trong thời kỳ thích ứng với đại dịch Covid-19. Nhìn chung, những tín hiệu tích cực từ động lực đầu tư công và sự phục hồi ngành bất động sản trên toàn quốc sẽ giúp ngành thép tiếp tục sôi động.
Trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc đang chứng kiến xu thế tiêu thụ thép chậm lại vì định hướng giảm thiểu khí thải carbon của chính phủ nước này, các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật... đang quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ thép, đặc biệt trong lĩnh vực chủ chốt là xây dựng và lắp ráp ô tô. Giá nguyên liệu đầu vào của các nhà máy luyện thép tăng (cùng xu thế tăng giá dầu) khiến cho phí sản xuất thép thành phẩm khó lòng giảm nhiệt. Đơn cử, giá than cốc từ đầu năm 2021 liên tục tăng do nhu cầu năng lượng tăng mạnh từ các quốc gia. Trong tương lai dài hạn, các chuyên gia cho rằng giá than sẽ dần hạ nhiệt, nhưng vẫn sẽ ở mức cao so với trước.
Theo ông Narendran, Giám đốc điều hành của Tập đoàn thép Tata Steel, cho biết cuối năm 2021, giá trung bình của thép cuộn cán nóng (HRC) khoảng 400 - 450 USD/tấn nhưng trong dài hạn, giá thép HRC này có thể đạt mức cao hơn vì nguồn cung từ Trung Quốc chững lại. "Tôi kỳ vọng giá thép trong dài hạn sẽ tăng lên ngưỡng 600 USD/tấn, tất nhiên giá có thể biến động và biến động mạnh hơn so với những gì chúng ta từng thấy trong quá khứ", ông Narendran nhấn mạnh.
Thực tế, thị trường thép đang trải qua một số thay đổi mang tính cấu trúc, trong đó có chi phí sản xuất gia tăng và vai trò ngày càng mới của Trung Quốc. Ở thời kỳ đỉnh cao, Trung Quốc xuất khẩu nhiều thép hơn cả sản lượng của Ấn Độ. Nhưng về sau, xuất khẩu thép của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm một nửa, xuống còn 60 triệu tấn/năm và có thể giảm sâu hơn nếu Bắc Kinh theo đuổi chiến lược giảm phát thải khí nhà kính. Hơn nữa, lần đầu tiên, sau nhiều năm, nhu cầu thép toàn cầu sẽ không còn phụ thuộc vào Trung Quốc. Mặc dù, trong bối cảnh các quốc gia phương Tây đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhu cầu thép có thể tăng cao hơn. Các doanh nghiệp thép Việt đang cố gắng tận dụng cơ hội từ kênh xuất khẩu. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu sắt thép tăng ngay từ những tháng đầu năm 2021, do các hiệp định thương mại như CP-TPP, FTA Vietnam-EU sẽ giúp cho thép Việt có lợi thế cạnh tranh. Các nhà sản xuất lớn trong nước như Hoà Phát, Tôn Hoa Sen hay Nam Kim đều đạt con số xuất khẩu ấn tượng. Sắt thép các loại của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vào các thị trường ASEAN, Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ…
Dự báo trong nửa cuối 2022, mặt bằng giá thép có thể sẽ ổn định hơn khi tình trạng đứt gãy nguồn cung dần được giải quyết giúp chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm thép thấp hơn. Đồng thời, các nhà máy thép sẽ gia tăng sản lượng để giải quyết bài toán thiếu hụt sản phẩm. Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo giá thép xây dựng của Việt Nam có khả năng giảm xuống mức 14,3 - 13,6 triệu đồng/tấn vào năm 2022-2023, giảm lần lượt 8-5% so với 2021. Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán BVSC dự báo giá thép xây dựng giảm xuống 14,5 triệu đồng/trong năm 2022, còn giá HRC dự báo giảm xuống 17 triệu đồng/tấn giảm 11,5% so với cùng kỳ trong năm 2022.
Nguồn tin: Cafef