Tại thị trường Việt Nam, hầu hết nguồn cung nguyên liệu thép chịu ảnh hưởng bởi diễn biến giá quốc tế, tuy nhiên, quan sát cho thấy giá tôn thép, đặc biệt là thép xây dựng không bám sát giá các nguyên liệu nhập khẩu này.
Một báo cáo cập nhật ngành Thép của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết như vậy.
Báo cáo của VDSC cho biết, năm 2016, ngành Thép thế giới chứng kiến cú sốc giá nguyên liệu bắt nguồn từ chính sách kiểm soát hoạt động sản xuất gang thép tại Trung Quốc. Với mục tiêu loại bỏ các xưởng thép nhỏ, kém hiệu quả để tái cơ cấu ngành thép, Trung Quốc giảm giới hạn số ngày hoạt động tại các mỏ than cốc, khiến nguyên liệu này tăng 247% giá chỉ sau 6 tháng, giá cao nhất gần 309USD/tấn trong tháng 11/2016. Điều này kéo theo giá thép phế và giá quặng sắt cũng tăng mạnh, hiện tại đã cao hơn 67% và 85% so với cùng kỳ.
Năm 2017, sức tăng mạnh mẽ của giá thép nội địa vẫn phải chờ. Ảnh: DT
Chịu ảnh hưởng từ các nguyên liệu thượng nguồn, giá thế giới của các bán thành phẩm và thành phẩm thép bật tăng mạnh từ giữa năm 2016. Sau hơn nửa năm biến động mạnh, giá phôi thanh thế giới tăng 62% so với cùng kỳ, giá thép cây tăng 66% và thép cán nóng tăng 82%. Trong khi công suất sử dụng các nhà máy thép thế giới vẫn ở quanh mức 70%, dư cung vẫn là một vấn đề chưa được giải quyết, bởi Trung Quốc chưa thể tổ chức lại nguồn cầu công suất hàng trăm triệu tấn thép/năm ở thị trường nội địa.
Tại thị trường Việt Nam, hầu hết nguồn cung nguyên liệu chịu ảnh hưởng bởi diễn biến giá quốc tế, nhưng giá tôn thép, đặc biệt là thép xây dựng không bám sát giá các nguyên liệu nhập khẩu này. Theo đó, so với mức tăng của giá nguyên liệu (quặng sắt, than cốc, thép phế, phôi thanh và thép cán nóng), giá thép cây trong nước chỉ tăng 4% trong 11 tháng đầu năm 2016.
Một trong những nguyên nhân được VDSC đưa ra là một số công ty sản xuất và phân phối trữ hàng tồn kho giá rẻ do mua nguyên liệu tại thời điểm cuối năm 2015 cho tới tháng 4/2016, trong đó một vài công ty đã nhập đủ nguyên liệu sản xuất cho cả năm 2016 từ đầu năm và hưởng chênh lệch giá nguyên liệu lớn.
Vì vậy, giá thép nội địa tăng khá chậm so với tốc độ leo dốc của giá nguyên liệu nhập khẩu trong năm 2016.
Có thể thấy, giá thép cây cuối năm 2016 đang xấp xỉ cùng kỳ, trong khi giá tôn mạ mới tăng 12%, mức tăng nhỏ hơn nhiều so với biến động giá thép thế giới. Theo phân tích của VDSC, việc các doanh nghiệp thép phải liên tục nhập nguyên liệu cho thấy, nhiều khả năng giá bán sẽ chịu sức ép tăng tương ứng để duy trì hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc nới lỏng số ngày hoạt động của các mỏ than, giá than cốc đã quay đầu, giá các bán thành phẩm thép cũng hạ nhiệt theo, cũng đồng nghĩa với việc giá thép nội địa sẽ chỉ tăng vừa đủ để tương ứng với lượng nguyên liệu giá cao mà các nhà sản xuất đã nhập khẩu, sau đó sẽ ổn định dần./.
Nguồn tin: Tài chính