Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày 09/02, lực mua và bán giằng co trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới.
Chỉ số MXV- Index quay đầu suy yếu nhẹ 0,08%, chốt ở mức 2.375 điểm.
Lực bán chiếm ưu thế trên cả 3 nhóm nông sản, nguyên liệu công nghiệp và năng lượng. Trong khi đó, kim loại là nhóm duy nhất đón nhận lực mua tích cực trong ngày hôm qua với đà tăng của hầu hết các mặt hàng kim loại cơ bản. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng hơn 32%, đạt gần 3.700 tỷ đồng.
Giá dầu giảm trở lại sau 3 phiên tăng mạnh liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch ngày 09/02, giá dầu quay đầu giảm, kết thúc chuỗi tăng mạnh 3 phiên liên tiếp trước đó, với dầu WTI giảm 0,52% xuống 78,06 USD/thùng và dầu Brent giảm 0,69% xuống 84,5 USD/thùng.
Bảng giá năng lượng
Giá dầu mở cửa với lực mua và lực bán liên tục giằng co khi các nhà đầu tư không chắc chắn về kịch bản tích cực trong bức tranh nhu cầu, sau loạt cáo tháng và tuần của Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy mức tồn kho tăng đáng kể. Đà giảm được thúc đẩy mạnh mẽ trong phiên tối, khi các thông tin cho thấy sức tiêu thụ trên thế giới vẫn chưa có tín hiệu bùng nổ như kỳ vọng.
Kim loại cơ bản phục hồi nhờ lo ngại nguồn cung
Sắc đỏ áp đảo trên bảng giá của nhóm kim loại quý, giá bạc giảm 1,24% về 22,14 USD/ounce. Bạch kim suy yếu mạnh 2,33% về 964,2 USD/ounce.
Thông thường, giá của các mặt hàng kim loại quý thường vận động trái chiều so với diễn biến của đồng USD, tuy nhiên, ngay cả khi chỉ số Dollar Index đã giảm phiên thứ 3 liên tiếp về 103,18 điểm, giá của bạc và bạch kim vẫn không được hưởng lợi.
Bảng giá kim loại
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng 1,52% lên 4,09 USD/pound. Đã có lúc giá quay lại 4,11 USD/pound trong phiên, khi chỉ số Dollar Index rớt khỏi mức 103 điểm. Tuy nhiên, sự hồi phục của đồng USD vào cuối phiên đã gây sức ép lên toàn bộ nhóm kim loại, trong đó có đồng.
Một mặt, việc nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc chưa hồi phục mạnh mẽ như kỳ vọng đã phần nào khiến cho giá đồng suy yếu, mặt khác, giá vẫn đang neo ở mức cao do những lo ngại về nguồn cung.
Giá quặng sắt cũng tăng 2,14% lên 123,97 USD/tấn. Thị trường quặng sắt đã hồi phục trở lại sau đợt điều chỉnh vừa qua, bởi những kỳ vọng tiêu thụ đối với kim loại này vẫn được duy trì, nhất là trong bối cảnh nguồn cung ở Trung Quốc vẫn chưa gia tăng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc tổng sản lượng khoáng sản của Brazil, quốc gia có sản lượng quặng sắt lớn thứ hai thế giới, đã giảm 12% vào năm 2022 cũng làm gia tăng thêm lo ngại về nguồn cung và hỗ trợ cho giá sắt.
Giá thép nội địa tăng 4 lần liên tiếp trong vòng 1 tháng
Theo MXV, thị trường kim loại trong giai đoạn tới nhiều khả năng sẽ có những diễn biến tương đối phân hoá. Yếu tố vĩ mô xoay quanh bài toán thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang là mối lo ngại của thị trường, có thể khiến đồng USD phục hồi trở lại và gây sức ép tới giá kim loại quý. Trong khi đó, các mặt hàng kim loại cơ bản như đồng, sắt thép sẽ chịu tác động nhiều hơn bởi yếu tố cung cầu. Đà phục hồi của thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, Trung Quốc, vẫn sẽ là động lực giữ cho giá ở mức cao hơn đáng kể so với giai đoạn nửa cuối năm ngoái.
Trên thị trường nội địa, từ ngày 7/2 vừa qua, các nhà sản xuất thép lớn trong nước đồng loạt thông báo tăng giá bán thép các loại. Đây là lần tăng giá thứ 4 liên tiếp trong vòng chưa đầy 1 tháng, với mức tăng thêm từ 300.000 - 380.000 đồng/tấn tùy doanh nghiệp. Như vậy, giá thép xây dựng trong nước đã tăng lên khoảng 15,5 – 16,5 triệu đồng/tấn.
Nguồn tin: VTV