Sau nhiều lần tăng giá từ cuối năm 2020, giá thép đang có dấu hiệu quay đầu giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng vẫn chưa hết nỗi lo.
Hạ nhiệt
Sau nhiều lần tăng giá khiến nhà thầu xây dựng "méo mặt", thì trong tuần qua, nhiều doanh nghiệp thép đã ra thông báo đến các nhà thầu về việc giảm giá sản phẩm.
Cụ thể, tại thị trường miền Bắc, mỗi tấn thép cuộn Hòa Phát hiện đã giảm hơn 1 triệu đồng so với thời điểm giá “lập đỉnh” sát mức 18,3 triệu đồng/tấn cách đây một tháng; còn thép thanh cũng hạ 500.000 - 700.000 đồng. Theo đó, thép cuộn CB240 có giá 17,2 triệu đồng/tấn, thép vằn D10 CB300 là 17,5 triệu đồng/tấn, các loại thép vằn D12, D14 giá dao động 16,85-16,9 triệu đồng/tấn.
Biến động tăng giá của nguyên vật liệu xây dựng đang khiến thị trường hết sức náo loạn. Việc tăng giá vật liệu xây dựng trong suốt thời gian qua đã trở thành “ác mộng” đối với các nhà thầu.
Tương tự, thép cuộn Việt Đức cũng lùi về còn 17 triệu đồng/tấn, giảm 960.000 đồng so với cách đó 2 ngày. Các mặt hàng thép thanh (D10, D12 và D14) của thương hiệu này cũng về dưới ngưỡng 17 triệu đồng/tấn, dao động 16,65 - 16,85 triệu đồng, hạ gần 800.000 đồng một tấn so với đầu tuần.
Bảng giá thép xây dựng của Tổng công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) có phần cao hơn các doanh nghiệp khác trong nước, ở mức 17,55 triệu đồng/tấn với thép cuộn CB240 và CB300; thép thanh các loại 17,25 triệu đồng/tấn. Giá này chưa gồm thuế giá trị gia tăng và nếu doanh nghiệp thanh toán chậm có bảo lãnh, mỗi tấn thép xây dựng doanh nghiệp này bán ra đắt thêm khoảng 900.000 đồng.
Cũng trong xu hướng giảm giá như thị trường miền Bắc, nhưng giá thép tại phía Nam "nhỉnh" hơn. Cụ thể, tại miền Nam, giá thép cuộn CB240 được báo quanh mức 17,8-18,4 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn vẫn trên 17 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu thép miền Nam báo giá thép cuộn ngưỡng 18,4 triệu đồng/tấn trong ngày 9/6. Thép cây vằn dao động 17,2-17,4 triệu đồng/tấn; thép cuộn Vina Kyoei quanh mức 18,35 triệu đồng/tấn, còn thép thanh 17,2 - 17,35 triệu đồng/tấn.
Trong số các thương hiệu thì thép Tungho đang có mức giá "mềm" hơn so với các doanh nghiệp khác. Mỗi tấn thép cuộn của doanh nghiệp này là 17,8 triệu đồng, thép thanh 16,45 -16,6 triệu đồng.
Nhà thầu chưa hết lo
Như vậy, sau thời gian dài tăng giá (40-50%) từ cuối năm ngoái, lần đầu tiên giá thép trong nước có dấu hiệu giảm theo đà giá thế giới, nhưng các doanh nghiệp trong ngành xây dựng chưa hết lo vì mức giá vẫn trên 17 triệu đồng/tấn.
Ông Nguyễn Anh Phương, Giám đốc Công ty Saigon Design chia sẻ, giá 17 triệu đồng/tấn là giá thép xuất xưởng, khi đến được nhà thầu thì đã đội lên khoảng 20 triệu đồng/tấn. Đợt tăng giá thép vừa rồi giống như một đòn giáng mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến các nhà thầu xây dựng, khiến biên độ lợi nhuận sụt giảm nhiều. Giá thép hiện tại đã có chiều hướng giảm, nhưng không đáng kể, nên vẫn gây khó khăn cho nhà thầu.
Cùng với sự biến động của giá thép thì diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà thầu xây dựng. Nhiều vùng trên cả nước đang trải qua giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra khỏi nhà, nên nguồn công nhân thi công tại dự án cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Bên cạnh đó, giá tất cả nguyên vật liệu xây dựng đều tăng từ 15 đến 30%, vì vậy, các công ty xây dựng cần phải cân đối chi phí hợp lý, tối ưu nguồn nhân lực, áp dụng máy móc, trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến đang có vào thi công để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đồng quan điểm, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc COPiHOME cho biết, giá thép chiếm khoảng 17 - 22% giá trị của công trình, còn lại phụ thuộc vào các nguyên vật liệu và chi phí khác. Nếu so với thời điểm đầu năm thì giá thép hiện nay vẫn neo ở mức cao. Do vậy, nhà thầu vẫn có nguy cơ phá sản nếu không nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ từ chủ đầu tư.
Khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư tại các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn TP.HCM cho thấy, không chỉ thép, mà giá cả của hầu như tất cả các loại vật liệu xây dựng đều tăng mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, giá cát đã tăng đến hơn 40.000 đồng/khối. Ngay cả cát tô trát chở từ khu vực miền Tây lên cũng được báo giá tăng từ 20.000 đến 30.000 đồng/khối. Theo đó, cát san lấp đang được các cửa hàng bán với giá 190.000 đồng/khối; cát xây, tô trát là 220.000 đồng/khối; cát trộn bê tông, cát vàng có giá 330.000 đồng/khối.
Tương tự, gạch ốp các loại cũng tăng 5.000 đồng/m2, gạch xây dựng tăng từ 2.600 đồng/viên lên 3.700 đồng/viên. Xi măng Bỉm Sơn từ các đại lý cũng chính thức tăng 30.000 đồng/tấn, một số loại khác cũng tăng mức tương đương hoặc tăng đến 40.000 đồng/tấn…
Theo ông Nguyễn Lĩnh Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng Center, biến động tăng giá của nguyên vật liệu đang khiến thị trường xây dựng hết sức náo loạn. Việc tăng giá trong suốt thời gian qua đã trở thành “ác mộng” đối với các nhà thầu, nhất là đối với dạng hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá.
Chi phí nguyên vật liệu của công trình thường chiếm từ 40 đến 70% tổng dự toán. Chỉ riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chủ yếu là xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch đã làm chi phí xây dựng tăng 1,25 - 1,4 lần, khiến nhiều nhà thầu bị lỗ nặng, thậm chí có nhà thầu không thể tiếp tục thi công, buộc phải chọn giải pháp chấp nhận bị phạt thầu hoặc mất bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Nguồn tin: Đầu tư