Trước sự đe dọa nghiêm trọng đến ngành sản xuất phôi thép và thép dài trong nước, Bộ Công thương đã ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho hay, ngày 7/3/2016, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng như sau:
Thứ nhất, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng là mức thuế tương đối là 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài.
Thứ hai, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày kể từ ngày bắt đầu áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời.
Thứ ba, các biện pháp tự vệ không được áp dụng đối với hàng hoá có xuất xứ từ các nước kém phát triển nếu số lượng hàng hoá nhập khẩu của nước đó vào Việt Nam không vượt quá 3% tổng lượng hàng hoá nhập khẩu bị điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ và tổng lượng hàng hoá nhập khẩu các nước đó vào Việt Nam dưới 9% tổng lượng hàng hoá nhập khẩu bị điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ.
Trong thông báo phát đi, Bộ Công thương nhận định, việc chậm áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và khó có thể khắc phục được.
Việc hàng hóa nhập khẩu gia tăng đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất phôi thép và thép dài trong nước. Điều này được thể hiện qua sự sụt giảm thị phần, lợi nhuận, công suất, nhân công và sự gia tăng hàng tồn kho.
Đặc biệt, sự sụt giảm này được thể hiện rõ rệt trong năm 2015 và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Nếu tình hình này tiếp diễn, ngành sản xuất phôi thép và thép dài trong nước sẽ không tránh khỏi việc tiếp tục bị mất thị phần khiến doanh thu, lợi nhuận giảm và sản xuất bị đình đốn.
Trước đó, vào ngày 25/12/2015, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 14296/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài do nhóm 4 công ty yêu cầu gồm: Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép Việt Ý.
Vào ngày 30/12/2015, cơ quan điều tra đã gửi Bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan. Thời hạn trả lời Bản câu hỏi điều tra là 30 ngày kể từ ngày gửi Bản câu hỏi điều tra, tức là trước 17h00 ngày 29/1/2016.
Trên cơ sở xem xét, nghiên cứu thông tin từ các Bản trả lời câu hỏi điều tra do các bên liên quan cung cấp, từ ngày 29/1 đến ngày 23/2/2016, cơ quan điều tra đã tiến hành thẩm tra tại chỗ đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tương tự và hàng hóa cạnh tranh trực tiếp trong nước.
Nguồn tin: Bizlive