Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sau đợt tăng giá vào ngày 2/4, giá thép tại các doanh nghiệp sản xuất trong hơn 10 ngày qua hầu như không có thêm biến động nào.
“Giá thép của các thành viên VSA được gửi tới Bộ Công thương hôm 12/4 không có biến động nhiều so với hồi đầu tháng. Giá thép cao nhất của các đơn vị sản xuất được công bố là 14,5 triệu đồng/tấn, chưa gồm thuế giá trị gia tăng. Đó cũng là những đơn vị có tên tuổi, đã khẳng định được vị thế trên thị trường. Còn đơn vị có giá thấp nhất là 14 triệu đồng/tấn. Nếu cộng thêm 10% thuế giá trị gia tăng, thì giá thép của các đơn vị sản xuất cũng đã xấp xỉ 16 triệu đồng/tấn. So với mức giá phôi đã ký hợp đồng mua là 630 USD/tấn, thì mức giá bán trên của các doanh nghiệp có vẻ hợp lý”, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch VSA nhận xét.
Nhưng dù giá thép của các đơn vị sản xuất có tạm ổn, thì câu chuyện đầu cơ thép cũng được nhiều doanh nghiệp nhắc tới. Ông Nguyễn Thanh Chủy, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cho hay, nhu cầu tăng mạnh trong tháng 3 có khả năng tiềm ẩn yếu tố tích trữ, đầu cơ. Như vậy, phần nhiều lượng thép do các nhà máy bán ra chưa đưa vào sử dụng, mà được lưu kho.
Cũng theo thống kê của VSA, lượng thép xây dựng tiêu thụ trong tháng 3 năm nay cao kỷ lục so với tháng 3 các năm trước. Tiêu thụ thép xây dựng quý I/2010 của các thành viên VSA đạt 1,22 triệu tấn, trong đó riêng tháng 3 đạt 568.000 tấn. Như vậy, chỉ riêng tháng 3/2010, mức tiêu thụ đã tăng 88% so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Trong số các đơn vị bán thép mạnh nhất, VNSteel (gồm cả các công ty con, công ty liên kết) đã tiêu thụ gần 600.000 tấn thép trong quý I, tăng trên 30% so với cùng kỳ và chiếm 53% thị phần trong VSA.
“Có dấu hiệu mua thép để chờ giá lên rồi bán, khi có thông tin về sự phục hồi của thị trường thép thế giới và giá nguyên vật liệu đầu vào như quặng thép tăng”, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA nhận xét. Theo ông Cường, tăng trưởng của nền kinh tế cũng như hoạt động của các ngành thời gian qua không thể khiến nhu cầu thép tăng tăng đột biến như vậy.
Do đó, Bộ Công thương quyết định kiểm tra giá thép cả ở cơ sở sản xuất, đơn vị phân phối và các đại lý, với kỳ vọng ổn định giá thép, nhất là khi theo thống kê của VSA, lượng tồn kho thép xây dựng của các nhà sản xuất vẫn ở mức an toàn (khoảng 200.000 tấn), đồng thời dự trữ phôi thép cũng đang ở mức cao (khoảng 530.000 tấn), cộng với lượng hàng về sẽ đủ đáp ứng cho nhu cầu các tháng tới.
Các chuyên gia cũng cho hay, giá nguyên vật liệu như quặng sắt phục vụ cho sản xuất của quý II đã được đàm phán xong vào đầu tháng 4, vì vậy sẽ không thể có biến động giá quặng trong một quý nữa. Còn theo VNSteel, thời tiết ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ đã bớt khắc nghiệt khi tuyết tan, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc khai thác, vận chuyển thép phế và các loại nguyên liệu luyện kim khác, góp phần tăng nguồn cung trên thị trường, tạo điều kiện giảm áp lực về giá.
Ngoài ra, áp lực cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước (trên 30 doanh nghiệp lớn nhỏ) và sức ép từ thép nhập khẩu do mức thuế bảo hộ đối với ngành thép hiện khá thấp sẽ làm giảm áp lực tăng giá.
Dự báo về tình hình giá thép tại Việt Nam thời gian tới, các chuyên gia đều cho rằng, giá sẽ chững lại bởi các doanh nghiệp thương mại phải bán hàng ra để thu hồi vốn, do giá thế giới không còn tăng đột biến như khi các khách hàng lớn đàm phán về giá nguyên vật liệu hồi tháng 3. Đó là chưa kể, công suất cán thép xây dựng trong nước hiện lên tới hơn 7 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu về thép xây dựng của cả nước chỉ khoảng hơn 5 triệu tấn/năm.
Baodautu