- Đây là thông tin được Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Phạm Chí Cường đưa ra hôm 10/3, dù tháng 2 đã chứng kiến sự tăng lượng tiêu thụ gần 50% so với tháng trước.
Hiện, lượng thép nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng mạnh. Ngành thép đề nghị Chính phủ siết chặt thực hiện quy hoạch vì khả năng cầu vượt qua cung đến 3 lần, đang rất gần. Tháng 3, giá thép đã giảm 300.000đ/tấn so với tháng 2. Ảnh: Internet
Ông Phạm Chí Cường cho biết, tính đến hết tháng 2, sản xuất thép của VSA đạt 237.000 tấn, tăng 2,43%; tiêu thụ thép cũng đạt hơn 257.000 tấn, tăng 47% so với tháng trước. Đây được xem là dấu hiệu rất tích cực, đặc biệt khi mùa xây dựng đã bắt đầu nên sản lượng tiêu thụ trong các tháng tiếp theo sẽ còn tăng cao.
Theo thống kê từ 80 doanh nghiệp trực thuộc VSA, lượng thép dự trữ hiện khoảng 200.000 tấn, phôi thép 450.000 tấn, đủ để phục vụ sản xuất trong tháng này và tháng 4 mà không cần cung thêm. Điều này cũng là nguyên nhân khiến cho giá thép trong tháng 2 đã giảm 400 đến 600.000 đồng/tấn và đầu tháng 3, Tổng Công ty thép đã tiếp tục giảm giá bán với mức 300.000 đồng/tấn.
Về dài hạn, các chuyên gia cho rằng, nếu các gói giải pháp kích thích nền kinh tế của nhiều nước đã và đang thực hiện có hiệu ứng tốt trong khoảng thời gian giữa năm 2009, khi đó nhu cầu sử dụng thép trên thế giới sẽ tăng mạnh. Lúc đó, do nhiều nhà máy sản xuất thép và phôi thép trên thế giới đã cắt giảm mạnh công suất và khó có thể nhanh chóng phục hồi công suất trở lại, trong khi nhu cầu tăng mạnh, nhất là nhu cầu tại các nước phát triển đang phục hồi mạnh trở lại, khi đó sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và giá thép, phôi thép rất có thể sẽ tăng cao trở lại.
Phải “siết” quy hoạch
Cho dù đưa ra dự báo là giá thép sẽ không tăng trong thời gian tới, nhưng ông Phạm Chí Cường cho rằng phải thực hiện nghiêm quy hoạch phát triển ngành thép của Chính phủ. Năm ngoái, vào tháng 9, bản quy hoạch ngành thép đến năm 2015 và tầm nhìn 2025 đã được phê duyệt nhưng chỉ vài tháng sau đã bị vi phạm nghiêm trọng.
VSA đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự không nhất trí với tình hình thực hiện “Quy hoạch phát triển ngành thép giai đoạn 2007 - 2015 có xét đến năm 2025”. VSA cũng đề nghị Chính phủ cần sớm đình chỉ các dự án nhà máy thép đang xây dựng hoặc sắp xây dựng mà không có sự đảm bảo nguyên liệu để có thể hoạt động lâu dài.
Về việc cấp phép cho các dự án luyện kim ngoài quy hoạch, nhất là các dự án thép xây dựng thông thường và phải nhập phôi, VSA đề nghị tạm thời không cấp thêm giấy phép mới vì sự dư thừa công suất so với nhu cầu. Các dự án đã cấp phép không đảm bảo tiến độ đã phê duyệt mà không có lý do chính đáng phải kiên quyết thu hồi giấy phép; các dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn cần theo dõi sát tiến độ và không cho phép chuyển đổi chủ dự án tùy tiện.