Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về tình hình thép những tháng cuối năm, ông Nguyễn Tiến Nghi (ảnh trên), Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) cho biết: Sản lượng sản xuất tiêu thụ thép của các doanh nghiệp (DN) trong ngành mấy tháng gần đây đang chững lại, tháng 6 chỉ đạt hơn 200.000 tấn, tháng 7 hơn 300.000 tấn, khả năng tiêu thụ trong tháng 8, 9 vẫn tiếp tục "đứng", trong khi mức trung bình thường hơn 400.000 tấn/tháng. - Xin cảm ơn ông!
- Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?
Nguyên nhân chính là do các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đang đi vào cuộc sống, nhiều công trình dự án đầu tư công được giảm hoặc giãn tiến độ. Cùng với đó là lãi suất ngân hàng tăng cao lại khó vay nên số công trình xây dựng tư nhân giảm, các công trình xây dựng cơ bản bị rút tín dụng xuống… khiến thị trường thép bị thu hẹp.
Dự báo sản lượng tiêu thụ thép trong quý 3 còn tiếp tục giảm, với mức trung bình vẫn dưới 400.000 tấn/tháng, bởi đang vào mùa mưa, đồng thời do tác động mạnh của chính sách điều chỉnh tập trung chống lạm phát cho cả năm.
- Điều này gây ảnh hưởng thế nào đến tình hình kinh doanh của DN thép?
Theo dõi cho thấy giá phôi nhập khẩu (NK) từ đầu năm đến nay lúc tăng lúc giảm, với mức trung bình 650 - 700 USD/tấn, nếu tính cả thuế VAT sẽ vào khoảng 14,5 triệu đồng/tấn. Cộng với chi phí sản xuất khoảng 1,6 triệu đồng/tấn, nên 1 tấn thép phải bán được với giá trên 16 triệu đồng/tấn, DN mới đảm bảo có lãi hoặc hòa vốn. Trong khi đó, tình hình thị trường thu hẹp, tiêu thụ chậm nên giá bán thép không thể tăng do cạnh tranh để chiếm thị phần giữa các công ty khá khốc liệt, nhất là năng lực sản xuất đang dư thừa vì đầu tư ồ ạt những năm gần đây. Giá bán thép trung bình trên cả nước hiện chỉ dao động quanh mức 15,2 - 16 triệu đồng/tấn.
Giá USD lại có xu hướng tăng khiến giá phôi, thép phế NK tiếp tục tăng sẽ đẩy giá thành sản xuất thép. Bởi vậy, nếu giá thép thời gian tới vẫn "đứng" hoặc hạ sẽ khiến DN tiếp tục lỗ. Hy vọng sang quý IV, việc đầu tư xây dựng khả quan hơn, sản lượng tiêu thụ thép sẽ đạt trên 400.000 tấn/tháng, giá bán thép sẽ nhích lên đủ đảm bảo DN ít nhất hòa vốn mới có thể tồn tại được.
- Như vậy, người tiêu dùng tiếp tục phải mua thép giá cao?
Trong bối cảnh mọi thứ nguyên liệu cho sản xuất thép đều tăng cao nên tôi nghĩ người tiêu dùng cần chia sẻ một phần khó khăn cho DN. Giá thép trên thị trường trong nước phụ thuộc nhiều vào giá thế giới bởi vẫn đang phải nhập khẩu hơn 50% nguyên liệu cho sản xuất, do đó người tiêu dùng nên biết chấp nhận giá theo thị trường chứ khó có thể như mong muốn. Tất nhiên, giá bán sẽ chỉ tăng nhẹ và phải điều chỉnh từ từ để đảm bảo lợi ích cả đôi bên.
- Hiệp hội dự báo thế nào về kết quả sản xuất tiêu thụ thép toàn ngành?
VSA đang lo ngại tổng sản lượng tiêu thụ năm nay chưa chắc tốt. Vì 7 tháng qua, sản xuất chỉ tăng 7%, tiêu thụ chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức thấp so với mọi năm. Từ nay đến cuối năm mà tiêu thụ khá hơn cả năm còn đạt mức tăng khoảng 5 - 7%, nếu cuối năm tình hình xấu cả năm tăng trưởng âm. Trong khi năm 2010, tổng lượng thép sản xuất, tiêu thụ trong nước và nhập khẩu đạt gần 11,6 triệu tấn thì năm nay khó đạt mức ấy,dự kiến cả năm chỉ khoảng 11 triệu tấn.
Nguồn tin: KTĐT