Ngày 13-8, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, mặc dù sức mua thép trên thị trường chưa được cải thiện nhưng do giá nhiều nguyên liệu đầu vào như giá điện, giá xăng, giá phôi thép... tăng nên giá thép chắc chắn sẽ tăng.
Mới đây nhất, ngày 12-8, Tổng công ty Thép Việt đã công bố tăng giá thép xây dựng thêm 150.000 đồng/tấn. "Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nên doanh nghiệp bắt buộc phải tăng giá chứ không thể cầm cự, chịu lỗ mãi như vậy được", ông Nghi nhận định.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, sản lượng sắt, thép thô bán ước đạt hơn 1,5 triệu tấn, giảm 13,6% so với cùng kỳ; thép cán đạt gần 1,6 triệu tấn, tăng 24,5% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc ước đạt gần 2 triệu tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Để cải thiện lượng tiêu thụ, giảm lượng hàng tồn kho nên hầu hết các nhà sản xuất thép đều khuyến mại và tăng chiết khấu bán hàng cho khách hàng để kích cầu, giảm giá theo lô, theo công trình và hỗ trợ giá vận chuyển.
Nếu so với tháng 6 năm nay thì giá thép trong tháng 7 vừa qua đã giảm 100.000 đến 250.000 đồng/tấn tùy theo khu vực và thương hiệu sản phẩm.
Trước đó, Bộ Công Thương đã cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng giá bán điện từ ngày 1-8, bình quân là 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tăng 71,85 đồng/kWh, tương đương 5% so với giá bán điện bình quân đang áp dụng 1.437 đồng/kWh.
Theo VSA, giá điện hiện chiếm khoảng 6% cơ cấu giá thành phôi thép, còn các thép thành phẩm khác chiếm gần 1%. Trung bình 1 tấn thép cần khoảng 600 kWh điện, do đó, giá điện tăng bao nhiêu, giá thành thép sẽ tăng bấy nhiêu.
Nguồn tin: Hải quan