Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá thép sụt giảm, ngành thép lúng túng tìm đầu ra

Tháng 2/2009, mức tiêu thụ thép xây dựng tăng gần 47% so với tháng trước nhưng lại giảm 13,33% so với cùng kỳ năm 2008. Giá thép trên thị trường liên tục giảm, nguyên nhân là do sự bùng nổ của nhiều dự án thép ngoài quy hoạch và đang phải chật vật tìm cách chống đỡ với thép giá rẻ tràn sang từ các nước ASEAN và Trung Quốc.

 

Tiêu thụ chậm, giá sụt giảm

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 2 tháng đầu năm 2009, toàn hiệp hội sản xuất được 475.769 tấn, giảm trên 22% so cùng kỳ năm 2008; tiêu thụ đạt 257.324 tấn, giảm 13,33% so cùng kỳ. Tồn kho sản phẩm tính tới cuối tháng 2 là 199.127 tấn; dự trữ phôi thép của các thành viên VSA khá cao, khoảng 450.000 tấn (đủ nguyên liệu cho tháng 3 và tháng 4/2009).

Nguyên nhân chính sụt giảm sản xuất và tiêu thụ là do thép tiêu thụ chậm. Giá thép trên thị trường thế giới và tại các nước trong khu vực ASEAN đang có chiều hướng giảm. Cung lớn hơn cầu đã tác động kéo giá thép sản xuất trong nước giảm từ 400.000 đến 600.000 đồng/tấn. Ngoài ra, từ ngày 1/2/2009, thuế VAT từ 10% trở về mức 5% cũng góp phần làm hạ giá bán thép. Hiện giá bán thép cây dao động ở mức từ 10,5 đến 11 triệu đồng/tấn.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là thời gian gần đây, ngoài các dự án được cấp phép, đã có sự bùng nổ của hàng loạt dự án đầu tư của các đơn vị trong và ngoài nước. Hiện, có 32 siêu dự án nhà máy thép ngoài qui hoạch đang và sẽ được triển khai. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, khẳng định: “Nếu các dự án đó được thực thi, có thể gấp 3 lần so với con số dự tính nhu cầu thép trong qui hoạch, điều đó sẽ gây khó khăn cho sản xuất thép trong nước.”.

Như vậy, với công suất dư thừa, Việt Nam chắc chắn sẽ phải xuất khẩu thép. Tuy nhiên, chen chân vào thị trường xuất khẩu không hề dễ khi mà Việt Nam ở ngay sát các nguồn cung thép khổng lồ là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ông Cường cảnh báo: “Chỉ vài năm tới, ngành thép sẽ phải đối mặt với một cuộc đại khủng hoảng thừa.".

 

Thép ngoại giá rẻ tràn lan

Trong khi thép sản xuất trong nước còn chật vật tìm đầu ra thì nguồn thép ngoại giá rẻ do các nước trong khu vực dư thừa thép đã tìm cách tràn vào Việt Nam. Ước tính, trong 2 tháng đầu năm có tới hàng vạn tấn thép đã nhập vào, hiện tập kết rất nhiều tại khu vực ga Hà Nội. Trong đó, lượng thép nhập khẩu vào phía Nam nhiều hơn phía Bắc do giá bán tại phía Bắc đang rẻ hơn phía Nam ít nhất 200.000 đồng/tấn.

Điều đáng lưu ý, lượng thép nhập thời gian qua có nguồn gốc từ các nước Thái Lan, Malaysia và Inđônêxia với mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, đang được chào giá bán sỉ 10,5 triệu đồng/tấn (thậm chí giảm còn 9,5- 9,6 triệu đồng/tấn), thấp hơn thép cuộn trong nước 500.000 đồng/tấn. Đây là điều bất khả kháng buộc các nhà sản xuất trong nước phải đối phó.

Trước áp lực về giá, Tổng công ty Thép Việt Nam trụ sở phía Nam vừa tiếp tục điều chỉnh giá thép xuống 300.000 đồng/tấn so với thời điểm giữa tháng 2/2009.

 

Kích cầu thép nội qua các các dự án?

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép trong tháng 3/2009 chưa có chiều hướng khả quan. Các biện pháp kích cầu của Chính phủ (chủ yếu là biện pháp tài chính và hỗ trợ lãi suất) đang trong giai đoạn triển khai ban đầu, tiêu thụ thép do các công trình được vay vốn ưu đãi của Nhà nước cũng còn tiến hành chậm, do vậy ngành thép khó hy vọng đạt mức tiêu thụ bình quân của các năm trước.

Ngày 4/3/2009, Liên hiệp hội các doanh nghiệp ngành hàng Việt Nam đã cùng họp bàn và trình Công văn 01/CVLHH lên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành để đề xuất một số biện pháp nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu thụ sản xuất trong nước, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp: Thứ nhất, kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo các dự án đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước phải mua nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước để tạo việc làm cho người lao động đang có nguy cơ mất việc do DN không có đơn hàng, để kích cầu và tăng cường thị trường nội địa hóa sản phẩm.

Theo ông Cường, các vốn viện trợ cho vay ODA của các nước cũng đều có quy định bắt buộc phải mua sản phẩm sản xuất từ các DN nước cho vay. Thứ hai, chỉ định thầu hoặc tổ chức đấu thầu trong nước đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, nếu các DN nước ngoài tham gia đấu thầu phải liên doanh hoặc làm thầu phụ, DN trong nước là người đứng đầu liên danh thầu. Thứ ba, tiếp tục đề nghị giảm thuế VAT (hiện là 5%) xuống còn 1-2% đối với các sản phẩm cơ khí, sắt thép, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính, thủy tinh. Thứ tư, đề nghị Nhà nước dành nguồn vốn hỗ trợ các chương trình kích cầu, giới thiệu sản phẩm trong nước, chào hàng bán sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước, bởi vì hiện nay do kinh phí eo hẹp nên các chương trình quảng bá, kích cầu chỉ làm cầm chừng, chưa có quy mô lớn; nguồn vốn này nên giao cho các hiệp hội ngành hàng chủ trì.

Công Thương


ĐỌC THÊM