Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá thép tại Trung Quốc giảm mạnh

 Giá thép tại Trung Quốc đã lần đầu tiên giảm xuống sau nhiều tháng liên tiếp tăng mạnh, và xu hướng này sẽ tạo áp lực cho nhiều công ty nhất định, nhất là các công ty vừa và nhỏ trong ngành này.

Giá thép thanh, dùng trong xây dựng, kỳ hạn giao tháng 10 trên sàn Thượng Hải (Trung Quốc) kết thúc phiên 19/5 giảm 5,6% xuống 5.309 NDT/tấn (tương đương khoảng 825 USD/tấn); thép cuộn cán nóng, dùng trong chế tạo, cũng giảm 5,2% xuống 5.678 NDT/tấn, thấp nhất kể từ ngày 30/4.

Giá nguyên liệu sản xuất thép ngày 19/5 cũng giảm khá mạnh. Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng Chín trên sàn Đại Liên giảm 3,3% xuống 1.193 NDT/tấn lúc kết thúc phiên giao dịch; than luyện cốc giảm 1,7% xuống 1.927 NDT/tấn; trong khi than cốc giảm 2,8% xuống 2.572 NDT/tấn.

Giá thép giảm xuống sau khi giới chức Trung Quốc mới đây đã ban hành một loạt biện pháp mới nhằm kìm hãm đà tăng của kim loại này, trong nỗ lực xoa dịu áp lực chi phí đối với các công ty dùng thép làm nguyên liệu sản xuất như các nhà sản xuất hàng điện tử.

Giới phân tích nhận định các biện pháp này, dù có tác động đến một số công ty nhất định trong ngắn hạn, nhưng sẽ đảm bảo sự ổn định dài hạn cho ngành thép và các ngành liên quan.

Giới chức Trung Quốc cũng bày tỏ tin tưởng rằng giá sắt thép tại các nhà máy ở nước này sẽ giảm trong nửa cuối năm nay, khi giá hàng hóa nói chung trở lại đúng mức giá thực trên nguyên tắc cơ bản.

Bên cạnh đó, với việc thị trường sử dụng thép, nhất là ngành xây dựng, sắp bước vào mùa thấp điểm, giá thép xây dựng khó có thể lập đỉnh cao mới vì vốn đã ở mức rất cao. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, số công trình xây dựng mới của Trung Quốc trong bốn tháng đầu năm đã tăng 12,8% so với một năm trước đó, thấp hơn mức tăng 28,2% của quý I/2021.

Lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc vẫn đang ở mức cao, nhưng chính phủ nước này bắt đầu không khuyến khích điều đó nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước. Các nhà chức trách hồi tháng Tư đã thông báo bắt đầu từ tháng này sẽ ngừng giảm thuế xuất khẩu đối với hầu hết các sản phẩm thép.

Trong khi đó, các chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ để giảm giá thép. Cuối tuần trước, các cơ quan quản lý ở Thượng Hải và trung tâm sản xuất thép Đường Sơn đã triệu tập các nhà máy thép lớn và yêu cầu họ ấn định giá "ở mức hợp lý".

Các sàn giao dịch kỳ hạn lớn ở Thượng Hải, Đại Liên và Trịnh Châu cũng đã thắt chặt các quy tắc giao dịch đối với các hợp đồng thép hoặc than, đồng thời tăng phí giao dịch để hạ nhiệt thị trường.

Hiệp hội Phân phối và Vận tải Than Trung Quốc cũng đã dừng thông báo ba chỉ số giá than chủ chốt hàng ngày để giữ ổn định thị trường. Sau những nỗ lực đó, thị trường sắt thép đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Giới phân tích nhận định giá thép tại Trung Quốc sẽ còn giảm hơn nữa.

Tuy nhiên, dù Bắc Kinh đã có nhiều nỗ lực lớn để bình ổn giá thép trong nước, nhưng để hạ nhiệt thị trường thép toàn cầu đòi hỏi phải có nỗ lực chung trên quy mô quốc tế.

Ông Wang Guoqing, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu thông tin thép Bắc Kinh, cho biết thị trường thép toàn cầu đang chịu áp lực tăng giá ngày càng cao do nhiều yếu tố, trong đó có chính sách tiền tệ nới lỏng ở Mỹ và hoạt động đầu cơ trên thị trường.

Chuyên gia này lưu ý giá thép ở phương Tây còn tăng nhanh hơn ở Trung Quốc. Giá thép ở Mỹ đang ở mức khoảng 10.000 NDT/tấn, cao hơn nhiều so với mức dưới 6.000 NDT/tấn ở Trung Quốc, vì nguồn cung thép không đáp ứng kịp sự phục hồi nhanh chóng trong ngành chế tạo của Mỹ.

Một nguyên nhân nữa khiến giá thép ở Mỹ tăng mạnh là giá quặng sắt nhập khẩu cao. Mặt hàng này đang bị độc quyền bởi một số nhà cung cấp toàn cầu như tập đoàn Rio Tinto Group. Giới chức Trung Quốc cũng đã hành động để kìm hãm giá quặng sắt trong nước gia tăng, trong đó có biện pháp đa dạng hóa nguồn cung./.

Nguồn tin: Bnews

ĐỌC THÊM